Chống hàng giả, gian lận thương mại trong tình hình mới

Ngày 7/7, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới”.

Triển lãm phân biệt hàng thật, hàng giả tại Hội nghị.
Triển lãm phân biệt hàng thật, hàng giả tại Hội nghị.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ.

Trong đó: 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34% so với cùng kỳ); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.899 vụ với 3.271 đối tượng.

Riêng trong tháng cao điểm từ 15/5-15/6, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó: 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Hiện nay, hàng giả xuất hiện trong hầu hết các ngành hàng như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bia, thuốc lá, linh kiện điện tử, hàng thời trang, phân bón, vật tư nông nghiệp, linh phụ kiện, phụ tùng ô tô, xe máy... có thể nói, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả.

ndo_tr_hang-gia-2.jpg
Hội nghị là dịp để nhìn lại thực trạng về hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hàng giả hiện nay không chỉ phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, mà còn lan rộng đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực hẻo lánh thông qua nhiều hình thức bán hàng.

Với các phương thức thủ đoạn tinh vi từ bao bì, nhãn mác đến chất lượng, hàng giả có thể mang cả tem chống giả, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và qua mắt lực lượng chức năng.

Khi thương mại điện tử trở thành trào lưu kinh doanh, phương thức mua sắm mới, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng cả tính chất và số lượng, mức độ tinh vi, phức tạp của hành vi vi phạm pháp luật.

Đây là vấn đề không chỉ của một ngành, một địa phương mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Các đại biểu đã trao đổi, có những kiến nghị các giải pháp như: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ ở khâu lưu thông; Sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; cập nhật, sửa đổi bổ sung thêm về các văn bản pháp luật về chống hàng giả; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng…

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố đa phần là thành phố mới, cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo 389, phải có Ban chỉ đạo tham gia cấp các phường, xã.

Có thể bạn quan tâm

back to top