Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống và thực thi hiệu lực, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết nêu ra, các nội dung của Nghị quyết vẫn cần được nghiên cứu, phản biện, thảo luận và trao đổi, để từng bước cùng với hệ thống chính trị, nhân dân cũng như các doanh nhân nâng cao và thống nhất nhận thức, từ đó thống nhất hành động.
Đó cũng là những ý kiến được các chuyên gia thẳng thắn chia sẻ tại hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
“Pháo lệnh” cho cuộc cách mạng kinh tế tư nhân
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nhanh chóng được cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp đón nhận.
Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân. Đồng thời, Nghị quyết 68 cũng được coi như phát pháo lệnh cho một cuộc cách mạng không chỉ với kinh tế tư nhân và nền kinh tế, mà cả về chiến lược quản trị quốc gia, kiến tạo tương lai cường thịnh cho dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đánh giá, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã nhìn thẳng vào thực tế khối kinh tế tư nhân, từ những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân vào GDP, thu ngân sách, tạo việc làm đến những tồn tại cố hữu, nguyên nhân và giải pháp.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG, tham luận tại hội thảo. |
Thực tế, khối kinh tế tư nhân trong nước đang bị mất sức cạnh tranh và hiển hiện nguy cơ đánh mất mình ngay trên sân nhà, dù vẫn đang đóng góp đến gần 60% vào GDP, so với mức khoảng 20% của khối FDI.
Khối FDI hiện đang chiếm đến 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu tập trung vào giai đoạn gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp, ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam. Ngược lại, khối tư nhân còn tiềm năng dồi dào, dư địa phát triển rất lớn, từ các doanh nghiệp lớn, đến nhóm vừa và nhỏ.
“Nghị quyết 68, cùng với các Nghị quyết khác trong thời gian qua như Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới;… đã mang lại động lực, cảm hứng và niềm tin lớn lao cho giới doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh doanh, góp phần phát triển đất nước và thực hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân”, bà Nguyễn Thị Nga nhận định.
Sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 vẫn cần được thực thi một cách bài bản. Đây là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước để xứng đáng với sứ mạng là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.
![]() |
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ. |
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 68 không chỉ khẳng định mà sẽ định hình sứ mệnh của các doanh nhân.
“Nghị quyết cũng sẽ thay đổi thái độ ứng xử, cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân. Hay nói rộng hơn là cách chúng ta có thái độ, ứng xử đối với kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Với thái độ, nhận thức như vậy, có thể nói “vòng kim cô” cho doanh nghiệp tư nhân đã được cởi bỏ. Và chúng ta phải làm việc này thật triệt để. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn dắt hay đồng hành cùng kinh tế tư nhân; cùng đào tạo, dẫn dắt để khu vực kinh tế tư nhân có thể lớn mạnh hơn nữa”, PGS, TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện tại là làm sao thủ tục rút ngắn, để vốn vào nền kinh tế nhanh nhất.
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ ý kiến tại hội thảo. |
Theo ông Tuấn, để một doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sử dụng đất thì phải từ quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai, cho thuê đất,… Thủ tục hiện rất phức tạp, đơn cử liên quan đến vấn đề vừa nêu ở trên có ít nhất 15 thủ tục, chưa kể còn kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ.
“Thực ra, có rất nhiều thủ tục có thể cải cách và điều chỉnh ngay được. Do đó, điều doanh nghiệp cần là làm sao phải cải cách quy trình, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn, dễ dàng hoạt động và có cách thức quản lý thông minh hơn. Thời gian tới, bên cạnh tinh thần rất đột phá của Nghị quyết 68, hành động cụ thể của cơ quan Quốc hội, Chính phủ cũng cần mạnh mẽ hơn để hướng dòng vốn chảy nhanh vào nền kinh tế”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
![]() |
Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận, để thực thi Nghị quyết đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và song hành của doanh nghiệp.
“Trước đây, thủ tục phức tạp là cái khiên bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự cạnh tranh. Do đó, khi cải cách thủ tục trở nên đơn giản, nhà đầu tư trẻ có năng lực sẽ gia nhập thị trường, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Do đó, nếu không chịu cải cách, tự nâng cao năng lực thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải”, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu nhận định.