Bước ngoặt chính sách mang tính thể chế

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, được đánh giá như một bước ngoặt chính sách mang tính thể chế. Đây không chỉ là cú huých cần thiết để hệ thống tài chính tiếp cận cuộc cách mạng số, mà còn là cơ hội mở ra “cánh cửa” quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
(Đồ họa: KHIẾU MINH)
(Đồ họa: KHIẾU MINH)

Với cơ chế mới ban hành, các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) sẽ tham gia thử nghiệm trong một môi trường được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, thí dụ như: Chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Trên thực tế thời gian qua, hoạt động Fintech tại Việt Nam có bước phát triển nhanh vượt bậc cả về số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và vốn đầu tư. Song bởi các mô hình đó vốn chưa có tiền lệ pháp lý rõ ràng cho nên tiềm ẩn: Rủi ro cho người dùng, rủi ro hệ thống và rủi ro cả về mặt đạo đức, nếu thiếu sự giám sát minh bạch, sát sao. Do vậy, việc triển khai Sandbox được đánh giá sẽ tạo ra một khung thể chế mềm, linh hoạt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo quy định, việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới. Ngoài ra, Nghị định số 94 cũng nêu rõ, thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định. Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được cấp giấy chứng nhận tham gia Sandbox. Cùng với đó, các công ty Fintech Việt Nam cũng được tham gia cơ chế khi đáp ứng các điều kiện như: Không có vốn đầu tư nước ngoài, người đại diện hợp pháp là công dân Việt Nam, có ít nhất hai năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; hệ thống công nghệ đặt tại Việt Nam, bảo đảm an toàn, bảo mật, có dự phòng kỹ thuật và được kiểm thử trước khi vận hành. Đặc biệt, Nghị định cũng quy định rõ các tiêu chí khi thử nghiệm triển khai hình thức P2P Lending. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giám sát các tổ chức tham gia đánh giá hoạt động thử nghiệm và giải pháp Fintech liên quan.

Như vậy có thể ví cơ chế Sandbox như một “phòng thí nghiệm chính sách”, nơi các mô hình ngân hàng số mới, sản phẩm Fintech sáng tạo hay giải pháp thanh toán ứng dụng blockchain có thể được vận hành thử trong khuôn khổ pháp lý linh hoạt nhưng có giám sát. Song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Với những tiêu chí được quy định rõ trong Nghị định, cho thấy không phải mọi doanh nghiệp đều đủ điều kiện bước vào Sandbox. Việc lựa chọn chủ thể thử nghiệm sẽ dựa trên tiêu chí khắt khe về tính đổi mới, tiềm năng ứng dụng và mức độ kiểm soát rủi ro.

Các ngân hàng lớn với nền tảng số hóa mạnh sẽ có lợi thế hơn trong việc đề xuất mô hình thử nghiệm. Ngược lại, các Fintech nhỏ buộc phải chứng minh năng lực công nghệ và tuân thủ, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ đầu. Đặc biệt, cơ chế mới sẽ yêu cầu doanh nghiệp tham gia cam kết rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ người dùng, bảo mật dữ liệu và khả năng xử lý sự cố. Điều này buộc cả ngân hàng và Fintech phải đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro, thay vì chạy theo sáng tạo bằng mọi giá.

Cuối cùng, dù mềm dẻo, linh hoạt, nhưng Sandbox không thể là “vùng xám” để lách luật. Cơ chế thử nghiệm này chỉ có ý nghĩa nếu được giám sát bởi một hệ thống quản lý đủ năng lực, vừa hiểu công nghệ, vừa giữ vững kỷ cương tài chính. Việc ban hành Sandbox là thông điệp mạnh mẽ cho thấy Việt Nam sẵn sàng tiếp cận làn sóng đổi mới tài chính theo cách chủ động, có kiểm soát. Nhưng để không trượt khỏi quỹ đạo an toàn, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, Fintech và người tiêu dùng.