Từ ngày 1/7 tới đây, Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), trong đó có cho vay ngang hàng (P2P Lending) sẽ chính thức có hiệu lực. P2P Lending là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.
Gần một thập kỷ “trôi nổi”
Trong vòng 6 năm qua, hệ sinh thái Fintech Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và ấn tượng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đã tăng từ khoảng 40 vào cuối năm 2016 lên gần 200 vào năm 2022. Các công ty fintech hiện nay tham gia nhiều mảng, từ thanh toán không tiền mặt, cho vay P2P Lending đến chấm điểm tín dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, NHNN cũng không ngần ngại chỉ ra những hạn chế trong ngành. Một số doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi trên danh nghĩa P2P Lending. Những lời hứa hẹn về lợi nhuận “khủng”, lãi suất hấp dẫn đã biến thành bẫy lừa đảo. Không ít trường hợp, người vay giật mình khi phát hiện mức lãi suất thực tế cao gấp nhiều lần so công bố ban đầu.
Hiện nay, các công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending cung cấp đa dạng các hình thức vay, từ vay tiêu dùng nhỏ lẻ như vay cho sinh viên, vay mua điện thoại, máy tính, đến các khoản vay lớn mua ô-tô hay bất động sản… thông qua hình thức vay có bảo đảm.
Tại các hội thảo về tín dụng đen trước đó, Bộ Công an đã cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ các ứng dụng cho vay trực tuyến (app), khi phát hiện nhiều vụ việc các công ty cho vay qua app có địa chỉ “ma”, có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi.
Phương thức cho vay qua app thường giao dịch ngầm, thiếu sự chứng thực pháp lý, tạo điều kiện cho các chủ nợ sử dụng các phương thức đòi nợ trái phép như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bắt giữ trái phép. Tình trạng này đang đặt ra yêu cầu cần có các biện pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nền tảng P2P Lending.
Theo luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), một vấn đề khác là sự mơ hồ trong các thỏa thuận giữa nền tảng P2P và các bên liên quan. Các hợp đồng giữa nền tảng và nhà đầu tư, khách hàng vay hay bên thứ ba thường thiếu ràng buộc pháp lý và cơ chế giám sát hiệu quả. Điều này đã dẫn đến việc nguồn vốn không được sử dụng đúng mục đích, làm phát sinh tranh chấp kéo theo hàng loạt vụ kiện tụng kéo dài.
Phân tích rõ hơn, luật sư Thu Hà cho biết, một số công ty đã lợi dụng những lỗ hổng pháp lý để huy động vốn từ nhà đầu tư bằng lời hứa hẹn lãi suất cao, thậm chí vận hành theo mô hình Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước). Đây thuần túy là một giao dịch dân sự bình thường, nếu xảy ra sự cố rất khó truy cứu trách nhiệm của bên cung cấp nền tảng số.
Tạo “vùng an toàn” pháp lý
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Thành Chung (Đoàn luật sư Hà Nội), sự xuất hiện của loại hình P2P Lending mở ra một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt, thuận tiện giúp nhiều người có cơ hội vay tiền, đầu tư kiếm lời, xu hướng của nền tảng số cũng là điều không thể ngăn cản.
Vì vậy, Nghị định 94 được đánh giá là lời giải mà thị trường và các nhà quản lý chờ đợi. Theo một chuyên gia trong mảng kết nối tài chính, việc có khung pháp lý sẽ tạo “vùng an toàn” cho doanh nghiệp nghiêm túc đầu tư vào lĩnh vực này.
Những quy định mới không chỉ giúp thu thập dữ liệu vận hành thực tế mà còn là bước đệm để áp dụng Open API, mở ra cơ hội chia sẻ thông tin có kiểm soát giữa fintech, tổ chức tín dụng và bên thứ ba. Ngoài ra, việc thử nghiệm P2P Lending sẽ là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mô hình P2P Lending từng là xu hướng ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng khi siết chặt quản lý, thị trường Trung Quốc đã co hẹp từ hơn 1.000 doanh nghiệp xuống còn vài chục đơn vị.
Tại Việt Nam, việc bắt đầu thử nghiệm khung pháp lý cho mô hình này ở thời điểm hiện tại tuy hơi muộn nhưng vẫn cần thiết. Một trong những vấn đề của thị trường tín dụng Việt Nam là tình trạng tín dụng đen, lãi suất cao và tỷ lệ nợ xấu lớn. Chưa kể, ý thức trả nợ của người dân còn thấp, thậm chí xuất hiện nhiều nhóm hướng dẫn cách “xù nợ”.
Ở chiều ngược lại, cho vay qua app biến tướng thành tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đây là hệ quả một phần của việc thiếu khung pháp lý rõ ràng. Theo đó, để thử nghiệm hình thức này hiệu quả, Việt Nam cần quy định rõ ràng về lãi suất, cơ chế giao dịch và xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm cá nhân, để đánh giá mức độ tin cậy của khách hàng.
Bài học kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, hệ thống chấm điểm xã hội có nhiều biện pháp “trừng phạt” khiến cho người vay không dám “xù nợ”. Ngoài ra, cũng cần xác định ranh giới rõ ràng giữa các khoản vay cộng đồng bất hợp pháp trên mạng và P2P Lending; phân loại mô hình nào là bất hợp pháp… Cần dành một khoảng thời gian để những nền tảng cho vay này điều chỉnh trước khi đưa ra các quy định quản lý mới.
Luật sư Thu Hà cũng cho rằng, để mô hình này trở thành một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi, nơi người vay có thể tiếp cận nguồn vốn đáng tin cậy. Đồng thời, cần thiết phải áp đặt một giới hạn trần cho vay để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như giảm các rủi ro tài chính.
Bởi lẽ, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng nhận diện và phân tích hết những nguy cơ tiềm ẩn. Điều này càng khẳng định sự cần thiết phải có những quy định chặt chẽ, không chỉ bảo vệ các nhà đầu tư mà còn giúp thị trường phát triển bền vững và ổn định.