Chủ động ứng phó với biến động về tỷ giá

Về nguyên tắc, tỷ giá USD/VND tăng khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, từ đó ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá chịu tác động mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Ảnh: NAM HẢI
Tỷ giá chịu tác động mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Ảnh: NAM HẢI

Tỷ giá USD/VND liên tục tăng nóng những ngày qua. Đến ngày 28/4, giá USD tại Ngân hàng Vietcombank mua chuyển khoản 25.840 đồng, bán ra 26.200 đồng, tăng 80 đồng so với cuối tuần trước; BIDV cũng tăng 60 đồng khi mua chuyển khoản lên 25.840 đồng, bán ra 26.200 đồng… Đây là mức kỷ lục của đồng USD trong các ngân hàng. Tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng vọt lên 24.960 đồng/USD, cao nhất từ trước đến nay.

Xuất phát từ nhiều yếu tố

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, chính sách tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và tạo áp lực lên tỷ giá. Cùng với đó, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát gia tăng tại Mỹ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao, làm tăng giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác. Trong bối cảnh đó, về cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù Việt Nam duy trì thặng dư thương mại, nhưng sự chững lại trong dòng vốn FDI và kiều hối có thể làm giảm nguồn cung ngoại tệ, tạo áp lực lên tỷ giá.

Một yếu tố khác khiến tỷ giá chịu tác động mạnh mẽ là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt là nguyên vật liệu sản xuất) vẫn duy trì ở mức cao, khiến cán cân thanh toán của Việt Nam nhiều thời điểm mất cân đối, có thể gây ra áp lực mua ngoại tệ để thanh toán cho các khoản nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/4, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 118,35 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 16,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc lượng ngoại tệ mà Việt Nam phải chi tiêu cho các hoạt động nhập khẩu cũng lớn hơn, từ đó đẩy tỷ giá lên.

Dù biến động vẫn trong biên độ cho phép, song tỷ giá tăng mạnh thời gian qua cũng khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.

Chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, bà Trần Thị Khuyên, đại diện Công ty CP Sao Mai cho biết, thời gian qua, đơn vị liên tục gặp khó khi tỷ giá biến động. Theo đó, để duy trì dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt nhựa từ Hàn Quốc về với sản lượng khoảng 125 tấn/tháng. Vì vậy, khi giá USD tăng đã kéo theo chi phí nguyên phụ liệu tăng cao.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp này xuất khẩu bao bì sang các nước, khi tỷ giá USD tăng sẽ thu được nhiều tiền nội tệ hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh tỷ giá tăng, các nước này cũng giảm đơn hàng nhập khẩu bao bì từ doanh nghiệp kéo theo đơn hàng xuất khẩu giảm. Khi các đơn hàng xuất khẩu có xu hướng sụt giảm, doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong nước để duy trì ổn định chuỗi sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh những nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, tỷ giá tăng cũng giúp doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao, nhập khẩu thấp hưởng lợi. Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu sang các nước như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga đều dựa trên giá USD.

Do đó, việc giá USD tăng mạnh trong thời gian gần đây sẽ giúp cho doanh nghiệp hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. “Khi giá USD tăng lên, dù đã phải trừ đi mức tăng nguyên phụ liệu khi phải nhập khẩu, song doanh nghiệp vẫn thu được một khoản chênh lệch. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tìm kiếm nhiều đơn hàng hơn”.

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Tỷ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao lịch sử trong bối cảnh chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam. Nhiều lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế, gây áp lực lên tỷ giá.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cũng cho rằng, VND đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi châu Á trong ba năm qua, chịu tác động từ môi trường đồng USD mạnh. Mặc dù biến động thị trường vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá. Trước những yếu tố này, Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái USD/VND, nâng mức dự báo giữa năm lên 26.000 đồng (từ mức trước đó là 25.450 đồng) và dự báo cuối năm 2025 lên 25.700 đồng (từ 25.000 đồng).

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, NHNN đã bơm ròng mạnh ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản và “neo” giá bán USD ở mức 25.450 đồng/USD để ổn định thị trường. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, NHNN phải “ghìm” tỷ giá. Nếu tiếp tục ghìm, NHNN sẽ phải bán dự trữ ngoại hối, hút VND về khiến ngân hàng tiếp tục chịu áp lực về thanh khoản. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm và giá USD bán ra là cần thiết.

Hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng. Vì vậy, NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu hoạt động đầu cơ này. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện những chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đồng USD tăng giá sẽ mang lại niềm vui - nỗi buồn cho nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau. Thậm chí, trên cùng một doanh nghiệp, khi trao đổi bằng tiền USD thì áp lực tài chính tăng cao, nhưng khi xuất sang nước nào tỷ giá thấp hơn thì lại là niềm vui.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu tỷ giá có xu hướng tăng tiếp, NHNN có thể bán ra một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, việc tỷ giá tăng, giảm phần lớn do yếu tố khách quan và nằm ngoài sự kiểm soát của Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp bị động trong việc hoạch định những kế hoạch về mặt tài chính để nhập khẩu nguyên liệu hay xuất hàng hóa đi ra nước ngoài. Thậm chí, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi, bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học. “Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí”, bà Thủy khuyến nghị.

Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ. Do đó, các doanh nghiêp nên sử dụng công cụ phái sinh như hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu hiện nằm trong 5 nhóm ngành ưu tiên được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm. Đây là chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định vốn, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn vay vốn bằng VND hoặc ngoại tệ, tùy theo nhu cầu thực tế giúp linh hoạt hơn trong điều hành tài chính.