Theo số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Cụ thể, Chainalysis (một công ty phân tích blockchain của Mỹ có trụ sở tại New York) cho biết, dòng tiền từ tài sản mã hóa vào Việt Nam giai đoạn 2022-2024 ước tính hơn 100 tỷ USD. Còn theo Triple A (tổ chức thanh toán tiền mã hóa được Cơ quan Tiền tệ Singapore cấp phép), khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 17% dân số, xếp thứ 5 toàn cầu.
Khai phá nguồn lực kinh tế “ngầm”
Trong hệ thống pháp luật về thuế tại Việt Nam đã có những quy định chung về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Nếu tài sản số được công nhận là một loại tài sản hợp pháp, các giao dịch liên quan sẽ phải chịu thuế theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, do tài sản số chưa được định danh rõ ràng trong hệ thống pháp luật, hầu hết các giao dịch này đang diễn ra trên các nền tảng quốc tế hoặc thị trường không chính thức, khiến việc giám sát và thu thuế gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, khi tài sản số được luật pháp công nhận và quản lý, giao dịch sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để Nhà nước thu thuế từ các hoạt động kinh tế số, tăng cường nguồn thu ngân sách và đầu tư trở lại các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, công nghệ. Cùng với đó, việc gắn kết giao dịch tài sản số với các chính sách thuế sẽ không chỉ giúp tăng cường nguồn thu, mà còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.
Theo tính toán, nếu áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân 0,1% như giao dịch chứng khoán, thì mỗi năm có thể thu về hơn 800 triệu USD tiền thuế. Bên cạnh đó, các nền tảng giao dịch thường áp dụng mức phí 0,01 - 0,8% mỗi giao dịch.
Theo TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam, nếu áp dụng một cơ chế thuế "hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường này. Một hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán. Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống. Một nguồn thu tiềm năng khác cho Chính phủ là phí cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Nhiều quốc gia đã triển khai mô hình này, chẳng hạn như ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), nơi các dự án tiền mã hóa phải đóng phí cấp phép. "Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống tương tự, Chính phủ có thể vừa kiểm soát thị trường vừa tạo ra nguồn thu không đến từ thuế".
![]() |
Nhà đầu tư đang theo dõi biến động giá của tiền mã hóa. Ảnh: NAM ANH |
Cần một mô hình thuế cân bằng
Tuy vậy, xây dựng một hệ thống thuế hiệu quả không nên chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo nguồn thu mới cho ngân sách, mà còn phải bảo đảm rằng chính sách này không làm suy yếu thị trường hay dẫn tới hiện tượng rò rỉ dòng vốn sang các nước khác. Thí dụ, Ấn Độ áp thuế 30% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa và 1% thuế trên mỗi giao dịch, khối lượng giao dịch trong nước đã giảm tới 70%, vì nhà đầu tư chuyển sang các sàn giao dịch nước ngoài. Nếu Việt Nam triển khai mức thuế quá cao hoặc hệ thống thuế quá phức tạp, nhà đầu tư có thể chuyển hoạt động sang các thị trường thân thiện hơn như Singapore hay UAE, khiến thất thoát nguồn thu thuế tiềm năng.
Để thu hút đầu tư mà vẫn bảo đảm nguồn thu thuế ổn định, Việt Nam cần một mô hình thuế cân bằng. Thuế giao dịch thấp kết hợp với thuế lãi về vốn trong khung thuế thu nhập cá nhân có thể giúp duy trì tính công bằng mà không làm suy yếu thị trường. Ngoài ra, Việt Nam nên cân nhắc miễn thuế giá trị gia tăng cho tiền mã hóa, như cách Liên minh châu Âu và Singapore đã thực hiện, nhằm tránh đánh thuế hai lần và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Đồng thời, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm giám sát các giao dịch xuyên biên giới và ngăn chặn hành vi trốn thuế. Nếu thiết lập được một hệ thống thuế đơn giản, cạnh tranh và cân bằng, Việt Nam có thể vừa tạo được nguồn thu đáng kể từ tiền mã hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái tài sản số bền vững.
Còn theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa giúp Nhà nước có thể thu thuế từ giao dịch, đồng thời giảm được các hệ lụy xã hội từ những hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát. Còn nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là một giao dịch chính thức được công nhận, đồng thời được bảo vệ trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước.
Tuy vậy, một yếu tố quan trọng cần xem xét là Chính phủ sẽ hướng chính sách thu hút đối tượng nào. Nếu nhắm đến nhà đầu tư trong nước, cần tính đến sự cạnh tranh với các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hay vàng. Bởi trên thực tế, các kênh này đã có hệ thống pháp lý rõ ràng, sàn giao dịch tài sản mã hóa sẽ cần một cơ chế đủ minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và có chính sách thuế hợp lý để tạo sức hấp dẫn.
Còn nếu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thì bài toán quản lý dòng vốn vào và ra của nền kinh tế sẽ rất quan trọng. Một sàn giao dịch tài sản mã hóa không chỉ cần bảo đảm tính linh hoạt trong giao dịch, mà còn phải có cơ chế kiểm soát dòng vốn hợp lý để tránh các rủi ro về biến động tài chính. Điều này liên quan trực tiếp đến chính sách thuế, bởi nếu mức thuế quá cao hoặc phức tạp, sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Ngược lại, nếu có chính sách thuế hợp lý và hệ thống quản lý dòng vốn thông minh, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tài chính số hấp dẫn trong khu vực.
Trước đó, Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất khi xây dựng khung pháp lý cho tài sản số là chính sách thuế. Và để tránh làm giảm sức hấp dẫn của thị trường, Chính phủ có thể xem xét áp dụng các mức thuế ưu đãi trong giai đoạn đầu. Điều này sẽ giúp khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái tài sản số tại Việt Nam.
Tuy vậy, cần có cơ chế để kiểm soát các hoạt động trốn thuế và gian lận thuế trong lĩnh vực này. “Một số quốc gia đã áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi và giám sát các giao dịch tài sản số, từ đó bảo đảm thu thuế một cách minh bạch và hiệu quả. Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước này để xây dựng hệ thống quản lý thuế phù hợp với bối cảnh trong nước”, Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí nêu rõ.
Cách đây không lâu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao nhiệm vụ cho một doanh nghiệp và Hiệp hội Blockchain đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ này. Các lĩnh vực như xây dựng chính phủ số, công dân số sẽ được ưu tiên triển khai. Đây được coi là tiền đề cho công nghệ blockchain trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.