Công nghệ số là “chìa khóa” mở đường
Năm 2024, kinh tế số đóng góp hơn 18% GDP của Việt Nam, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2023. Dự kiến đến cuối năm nay, kinh tế số sẽ đạt 20% GDP, tương đương khoảng 120-130 tỷ USD. Trong cơ cấu kinh tế số của nước ta, các lĩnh vực chủ chốt bao gồm Công nghiệp công nghệ số (chiếm 50-55%, chủ yếu từ xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin), Công nghệ tài chính và dịch vụ số khác (chiếm 30-35% với sự bùng nổ của thanh toán điện tử và các nền tảng số) và Thương mại điện tử (chiếm gần 10% tổng giá trị kinh tế số). Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” của Google, Temasek và Bain & Company, kinh tế số Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng 15-20%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP chung.
Là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số và Đề án Đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm kinh tế số lớn nhất nước và là trung tâm kinh tế số của khu vực Đông Nam Á. Từ nhiều năm nay, thành phố xem ba mảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chính trong quá trình phát triển. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT, 5G, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn… hiện là những lĩnh vực đang được ưu tiên đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược “1-4-1”, gồm: Xây dựng một trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; 4 cao: Phát triển trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (AI, dữ liệu lớn, đô thị thông minh và khởi nghiệp sáng tạo), khu công nghiệp công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao, y tế chất lượng cao cùng một hạ tầng chiến lược (trước mắt tập trung hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại và hạ tầng số).
Năm 2024, kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22% GRDP. Mục tiêu cho năm 2025 là 25% GRDP. Thế mạnh lớn nhất trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố là sở hữu số lượng doanh nghiệp và công nghiệp công nghệ số cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước. Thành phố được giao nhiệm vụ sớm trở thành trung tâm kinh tế số hàng đầu của Việt Nam với những chỉ tiêu về kinh tế số cao hơn mức bình quân của cả nước từ 5-10%.
Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, công nghệ số được xác định là chìa khóa chiến lược giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, xây dựng một nền kinh tế tự cường, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Theo GS, TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, khi công nghệ số được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi hệ thống chính sách và pháp luật cho lĩnh vực này cần có những đột phá mang tính thể chế, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện để khơi thông nguồn lực sáng tạo, mạnh mẽ loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Thêm chính sách để tận dụng thời cơ
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho rằng, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực là ba yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ số trong giai đoạn hiện nay. Thách thức lớn nhất hiện nay là những vướng mắc liên quan đến các văn bản hướng dẫn thực hiện dưới nghị quyết, dưới luật. Thiếu chính sách đột phá trong lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều thay đổi linh hoạt như công nghệ cũng tạo ra rào cản lớn khiến không ít đơn vị, doanh nghiệp dù rất muốn cũng khó triển khai.
Theo ông Thắng, Việt Nam cần thêm nhiều luật mới cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khi sửa đổi các luật hiện hành có liên quan đến kinh tế số như luật về thuế, đất đai, ngân sách… cần sửa đổi đồng bộ để hiệu quả đi vào giá trị thật. “Dữ liệu xuyên biên giới cũng là vấn đề quan trọng nếu chúng ta muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược cho công nghiệp công nghệ số. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp lớn đến Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát để xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn nhưng sau đó, một số đơn vị lại chuyển sang các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Thailand… Một trong những lý do dẫn đến việc này là luật pháp về dữ liệu của Việt Nam chưa phù hợp”, ông Thắng cho biết thêm.
Sự bùng nổ của AI trong vài năm trở lại đây mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, số liệu do Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) cung cấp mới đây lại cho thấy, mức độ sẵn sàng ứng dụng AI trong doanh nghiệp tại Việt Nam lại đang giảm từ 27% vào năm 2023 xuống còn 22% vào năm 2024. Tỷ lệ ứng dụng AI ở mức độ thử nghiệm của doanh nghiệp trong nước cũng rất thấp so với toàn cầu. Nguyên nhân lớn vẫn thuộc về các rào cản liên quan đến chính sách, khung pháp lý hiện hành. “Cần có chính sách kiểm soát rủi ro hài hòa với chính sách phát triển AI. Để kiểm soát rủi ro thì phải định nghĩa công nghệ này phù hợp với đặc điểm kỹ thuật nào và vai trò của các bên trong vòng đời AI đó với những cấp độ rõ ràng. Hiện tại, các quy định về phân loại rủi ro trong AI vẫn chưa rõ ràng, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Lan Phương, phụ trách chương trình Nghiên cứu công nghệ số, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông kiến nghị.
Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay, các cơ quan đang rà soát hàng trăm văn bản pháp luật và có kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong năm 2025-2026 để phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của hoạt động khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, kể cả việc chấp nhận khó khăn, rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu. Ưu tiên ứng dụng khoa học vào các hoạt động kinh tế - xã hội để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội. Chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển công nghệ số theo định hướng “Make in Việt Nam”, thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sản phẩm công nghệ sang thiết kế, sản xuất, đổi mới sáng tạo ngay trong nước.