Thương chiến có làm chứng khoán “đỏ lửa”?

Chính sách thuế quan mới, dự kiến công bố vào ngày 2/4/2025 từ Chính phủ Mỹ đang làm dấy lên lo ngại đối với nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán, khiến nhà đầu tư dè dặt hơn trong quyết định giao dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thanh khoản cùng dòng tiền hiện tại, đây có thể là cơ hội trong rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
VN Index đã vượt mốc 1.300 điểm trong tháng vừa qua sau gần hai năm tích lũy. Ảnh: NAM ANH
VN Index đã vượt mốc 1.300 điểm trong tháng vừa qua sau gần hai năm tích lũy. Ảnh: NAM ANH

Lo ngại trước chính sách thuế quan mới của Mỹ

Câu chuyện thương chiến toàn cầu từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức thể hiện rõ sự bất định và khó dự đoán trong chính sách thương mại của Mỹ. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất áp thuế với bốn đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada, Mexico, Trung Quốc và Liên minh châu Âu - những quốc gia có kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ cao nhất. Trong năm 2017, Trung Quốc chiếm gần 22% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, tỷ trọng này giảm còn 13% vào giai đoạn sau, song vẫn ở mức cao.

Theo số liệu năm 2022 của World Integrated Trade Solutions (WITS), Việt Nam có mức thuế suất bình quân áp dụng với hàng hóa Mỹ thấp hơn Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng của hầu hết 20 quốc gia được đặc biệt quan tâm đánh giá hầu như đều cao hơn Mỹ, do thuế giá trị gia tăng ở Mỹ tương đối thấp. Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phi thuế quan theo đánh giá của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Về tỷ giá, Việt Nam vi phạm hai trong ba tiêu chí của Mỹ về thao túng tiền tệ, tuy nhiên tiêu chí còn lại - tiêu chí “can thiệp dai dẳng, một chiều” - sẽ không khó để Việt Nam tuân thủ.

Bà Nguyễn Bảo Trân, Trưởng phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định: Việt Nam (chiếm 4,1% tổng nhập khẩu của Mỹ trong 2024) - dù không nằm trong nhóm nhập khẩu lớn nhất của Mỹ gồm Mexico (chiếm 15,3%), Trung Quốc (chiếm 13,3%), Canada (chiếm 12,5%) - vẫn thuộc nhóm có thể bị ảnh hưởng kế tiếp, cùng với Nhật Bản (chiếm 4,5%) và Hàn Quốc (chiếm 4%). Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, các biến động thương mại toàn cầu sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam.

Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ các biến động thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, theo bà Bảo Trân, Mỹ có xu hướng tập trung vào các quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn hơn, thay vì chỉ nhắm đến những nước có thặng dư thương mại cao với Mỹ. Nếu xét trên từng ngành hàng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như máy tính, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc và điện thoại - phần lớn do doanh nghiệp FDI sản xuất - có mức chênh lệch thuế suất không quá cao. Trong khi đó, ngành dệt may, vốn có nhiều doanh nghiệp nội địa xuất khẩu và đang chịu mức thuế cao từ Mỹ, cũng ít có nguy cơ bị tác động thêm.

Việt Nam cũng cam kết nhập khẩu hàng Mỹ, với tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ triển khai lên đến 90,3 tỷ USD. Trong đó, các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết và sẽ triển khai từ năm 2025 là 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Các thỏa thuận đang được doanh nghiệp hai bên đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian tới trị giá khoảng 36 tỷ USD. Khéo léo hơn, Việt Nam còn dự kiến ban hành Nghị định sửa đổi thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong tháng 3 này nhằm giảm thuế cho những mặt hàng như ô-tô từ 45-64% xuống còn 32%, cùng mức giảm thuế cho một số mặt hàng khác.

Cơ hội trong thách thức

Sáng 30/3, tại hội thảo “Chứng trường thời thương chiến”, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại. Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, ông Trần Anh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chi nhánh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Hà Nội) đặt vấn đề: Giai đoạn năm 2004-2005, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường chứng khoán đã thu hút lượng vốn dồi dào và có một con sóng lớn vào năm 2006-2007. Giai đoạn tích lũy tiếp theo là năm 2014-2016, sau đó thị trường chứng khoán bước vào con sóng mạnh mẽ thứ hai mang tên thoái vốn nhà nước năm 2016-2017. Năm 2020-2021, trong bối cảnh tiền rẻ, chúng ta đã có một cơn sóng lớn cho thị trường khi lập đỉnh lịch sử ở vùng 1.536 điểm. Liệu vùng tích lũy trong giai đoạn 2023-2024 vừa qua có đưa thị trường vào con sóng mới mang tên nâng hạng không?

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận định, VN Index đã vượt mốc 1.300 điểm trong tháng vừa qua sau gần hai năm tích lũy. Điều này cho thấy sự bền vững của dòng tiền và niềm tin vào thị trường. Dù áp lực tâm lý từ các nhà đầu tư khiến thị trường có phần thận trọng, đặc biệt trước lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhưng những biến động ngắn hạn đã phần nào phản ánh trước rủi ro. Theo ông Nhân, với tầm nhìn dài hạn khi thanh khoản và dòng tiền đã có sự cải thiện đáng kể, nhà đầu tư nên xem đây là cơ hội trong thách thức.

"Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ có ba lần xuất hiện tín hiệu dài hạn thật sự đáng tin cậy, và lần này đặc biệt trùng hợp với kỳ vọng nâng hạng thị trường. Thay vì bị cuốn theo những biến động ngắn hạn, nhà đầu tư cần có tầm nhìn chiến lược, tận dụng cơ hội từ sự chuyển dịch của nền kinh tế", ông Nguyễn Đức Nhân nhấn mạnh.

So với lịch sử cũng như so với các thị trường trong khu vực, bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc Khối Quản lý tài sản Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, định giá hiện tại của thị trường Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn. Hơn nữa, triển vọng trung và dài hạn vẫn tích cực nhờ vào đà tăng trưởng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tiếp tục mở rộng. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% vào năm 2025, đồng thời hướng đến mức tăng trưởng trung bình từ 7,5% - 8,5% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Động lực chính trong năm nay sẽ đến từ đầu tư công, tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng nội địa.

Trước những thách thức từ thương chiến, Việt Nam đã chủ động ký kết thêm 9 hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2022 đến nay, nâng tổng số lên 12 quốc gia. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng và nâng cao năng lực cung ứng điện cũng là nền tảng quan trọng để thu hút vốn FDI, tận dụng lợi thế chi phí sản xuất cạnh tranh và nguồn lao động dồi dào.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm mới nổi trong năm nay là một mục tiêu quan trọng, với hàng loạt cải cách về khuôn khổ pháp lý và hệ thống giao dịch KRX. Theo một số nhận định lạc quan, FTSE có thể nâng hạng Việt Nam vào tháng 9 tới, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ ETF và nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa vốn hóa thị trường chứng khoán trở lại mốc 100% GDP vào năm 2025. Trước đây, con số này từng đạt mức 100% GDP vào đầu năm 2022 nhưng đã giảm xuống khoảng 62% GDP sau đợt điều chỉnh mạnh năm 2022.

“Để nâng cao quy mô, tính thanh khoản và đa dạng hóa thị trường, việc thúc đẩy các doanh nghiệp IPO và đơn giản hóa thủ tục niêm yết là những yếu tố then chốt cần cải thiện”, bà Nguyễn Hoàng Yến nhấn mạnh. Để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thị trường chứng khoán Việt Nam vốn dĩ có nhiều lợi thế nhưng lại có quãng thời gian "chạy đà" tốn khá nhiều công sức!

Thuế đối ứng của Mỹ dự kiến công bố ngày 2/4 dựa trên năm tiêu chí: Chênh lệch thuế nhập khẩu; Việc áp thuế, như thuế giá trị gia tăng, gây ra sự không công bằng; Các biện pháp phi thuế quan như trợ cấp, yêu cầu pháp lý; Tỷ giá chênh lệch với giá thị trường; Các chính sách khác gây ra việc cạnh tranh không công bằng.