“Cắt nợ” để cải thiện thị trường trái phiếu

Quy định yêu cầu doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu được cho là cần thiết để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp “vốn nhỏ, nợ lớn” ồ ạt huy động vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này khiến các doanh nghiệp lớn gặp nhiều “thiệt thòi”.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có hệ số nợ cao khó có thể được phát hành trái phiếu. Ảnh: NAM ANH
Doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có hệ số nợ cao khó có thể được phát hành trái phiếu. Ảnh: NAM ANH

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ 44, trong đó thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Một trong những điểm quan trọng trong lần sửa đổi này là việc bổ sung quy định siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Cụ thể, doanh nghiệp chỉ được phép phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, dựa trên báo cáo tài chính gần nhất. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các tổ chức phát hành như doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị phát hành trái phiếu cho các dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ đầu tư.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự thận trọng

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, việc đưa quy định tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ cần có nợ phải trả tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu sẽ khiến các tổ chức phát hành phải giữ mức đòn bẩy tài chính an toàn hơn, tình trạng doanh nghiệp “vốn nhỏ, nợ lớn” phát hành trái phiếu ồ ạt với dư nợ gấp 50, thậm chí 100 lần vốn chủ sở hữu sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, ông Khải cũng lưu ý việc hiện nay, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng) chủ yếu có hệ số nợ cao hơn 5 lần vốn chủ sở hữu. Nếu bị chặn huy động trái phiếu họ có thể mất kênh vốn quan trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng. Bởi lẽ, sau đợt siết chặt của Nghị định 81, quy mô phát hành TPDN đã sụt giảm đáng kể, thị trường rơi vào trầm lắng. Do vậy, cần cân nhắc lộ trình áp dụng để không gây sốc cho các thành phần tham gia.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, cũng đã góp ý cần làm rõ điều kiện về năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bà Nga cho rằng, quy định này có thể gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp lớn, bởi họ thường có hệ số nợ cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và cân nhắc việc mở rộng đối tượng được phép tiếp cận trái phiếu riêng lẻ, bao gồm các công ty cổ phần không phải công ty đại chúng, trong đó có cá nhân, với giới hạn về số lượng nhà đầu tư. Mục đích của việc này là nhằm mở rộng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp, khi điều kiện thực tế cho phép, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu.

Những lo ngại của các chuyên gia không phải không có cơ sở, bởi theo báo cáo từ Hiệp hội Trái phiếu, trong quý I năm nay chỉ ghi nhận một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tổng lượng TPDN phát hành, bao gồm cả hình thức riêng lẻ và phát hành ra công chúng, đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 18.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ cần nguồn vốn lớn để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Ngoài vốn vay ngân hàng, trái phiếu sẽ là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, bởi trái phiếu thường có kỳ hạn từ 3-5 năm hoặc thậm chí dài hơn, giúp doanh nghiệp duy trì nguồn vốn ổn định cho các hoạt động đầu tư.

Minh bạch vẫn là “chìa khóa" của thị trường

Trả lời những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ được đưa ra nhằm bảo đảm tính tương thích với Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trái phiếu là một sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro, vì vậy chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có đủ năng lực và kiến thức để phân tích rủi ro trong đầu tư. Do đó, việc bổ sung điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thanh toán là cần thiết.

Về quy định “nợ phải trả tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu” đối với tổ chức phát hành, Bộ trưởng Thắng cho rằng, đây là mức độ thận trọng hợp lý và đã được điều chỉnh để loại trừ một số loại doanh nghiệp nhất định. Mức này cũng tương tự với điều kiện khi doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), do đó không gây ảnh hưởng đến thời gian và hoạt động của doanh nghiệp.

Theo thống kê của một số đơn vị phân tích, hơn 92% lượng TPDN phát hành trong năm ngoái vẫn là trái phiếu riêng lẻ, trong đó nhiều công ty lại không có xếp hạng tín nhiệm. Trong suốt 3 tháng quý I/2025, diễn biến “sôi động” nhất của thị trường vẫn là các doanh nghiệp xin giãn, hoãn thời gian trả nợ trái phiếu cũ.

Tại một hội thảo về thị trường trái phiếu, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Ratings cho biết, rủi ro tín dụng là một trong những thách thức lớn nhất của thị trường. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có khả năng thanh toán nợ đúng hạn, làm gia tăng áp lực tài chính lên thị trường.

Bên cạnh đó, vấn đề công bố thông tin vẫn còn nhiều bất cập khi không ít doanh nghiệp phát hành chưa tuân thủ đầy đủ các quy định, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không đầy đủ hoặc chưa được kiểm toán độc lập, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Điều này được thể hiện rõ khi trong vòng 1 tháng qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành loạt quyết định xử phạt hành chính đối với nhiều tổ chức do vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, đặc biệt liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin về TPDN.

Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Osaka Garden (TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Bách Hưng Vương (TP Hồ Chí Minh), Đầu tư Quang Thuận, Đầu tư và Phát triển Phú Châu, Thiết kế và Trang trí nội thất Norah; Đại Phú Hòa, Đầu tư Sun Valley, Hoa Phú Thịnh, Đầu tư phát triển Phú Châu, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… đều bị phạt ở mức 92,5 triệu đồng/tổ chức.

Cũng theo ông Minh, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế mới, trong đó thị trường vốn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, sau những bất ổn gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vì vậy, để thị trường trái phiếu có thể đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư là yếu tố then chốt.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hiệu quả, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm túc các quy trình tài chính kế toán, liên kết và báo cáo minh bạch với nhà đầu tư cũng là yếu tố không thể thiếu. Đồng thời, cần minh bạch hóa các quy định về xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Khi các vấn đề này được làm rõ, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả.