Đếm ngược 90 ngày hoãn thuế

Sau khi chính quyền Mỹ công bố tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày (hạn cuối ngày 9/7) cho 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để bàn giao đơn hàng cho đối tác Mỹ, đồng thời tích cực tìm cách ứng phó.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp may gấp rút hoàn thành sớm các đơn hàng trước thời gian áp thuế. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp may gấp rút hoàn thành sớm các đơn hàng trước thời gian áp thuế. Ảnh: NGUYỆT ANH

Ngay sau khi Mỹ áp thuế tối thiểu toàn cầu một tuần, không khí làm việc tại Tổng công ty may Đáp Cầu trở nên gấp rút hơn trước rất nhiều. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm may mặc của Tổng công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tới hơn 90%. Riêng trong năm nay, các đơn đặt hàng từ thị trường này đã được ký kết cho cả năm.

Trước thông tin Mỹ có khả năng sẽ áp thuế đối ứng ở mức cao đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều đối tác đã thúc giục việc hoàn thiện sớm các đơn hàng, đặc biệt là trước thời hạn 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố.

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều áp lực

Dù có tới hơn 4.000 lao động nhưng để có thể đáp ứng đủ đơn hàng cả năm chỉ trong 90 ngày là áp lực rất lớn đối với Tổng công ty may Đáp cầu. Vừa làm vừa lo đối phó trong trung và dài hạn là việc mà doanh nghiệp đang thực hiện tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Điều hành Tổng công ty may Đáp Cầu cho biết, dù lo lắng nhưng chúng tôi đang nỗ lực để tìm nhiều giải pháp nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đối tác. Các doanh nghiệp trong ngành may mặc cũng đang đoàn kết cùng nhau tìm kiếm giải pháp.

“Một mặt chúng tôi đang tích cực đàm phán với các đối tác, mặt khác tuyên truyền tới từng người lao động để chia sẻ và đồng hành với những khó khăn, áp lực của doanh nghiệp, khuyến khích cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động ở mức cao nhất”, ông Thăng nói.

Tổng công ty may Đáp Cầu chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước đang phải đối mặt với nỗi lo áp thuế đối ứng cao từ thị trường Mỹ.

Theo ông Khổng Văn Thắng, Chi cục trưởng Thống kê tỉnh Bắc Ninh, nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ chịu tác động lớn khi vào Mỹ. Trong đó có 15 nhóm hàng, mặt hàng, gồm: Máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; điện thoại và các loại linh kiện; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm chất dẻo; hải sản; nhóm mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; đồ chơi và dụng cụ thể thao; sản phẩm từ sắt thép; sắt thép các loại; nhóm hàng máy ảnh, máy quay phim, linh kiện; hạt điều.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 15 nhóm hàng, mặt hàng này đi Mỹ trong giai đoạn 2020-2025 như sau: Năm 2020 khoảng 77 tỷ USD, năm 2021 khoảng 96,2 tỷ USD, năm 2022 khoảng 109,3 tỷ USD, năm 2023 khoảng 97 tỷ USD, năm 2024 khoảng 119,5 tỷ USD.

“Mặc dù con số cụ thể vẫn phải chờ đợi quá trình đàm phán. Nhưng rõ ràng, ngay từ bây giờ doanh nghiệp Việt đã phải chịu rất nhiều áp lực từ các đối tác để hoàn thành sớm đơn hàng trước thời gian áp thuế. Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự bình tĩnh và việc chủ động thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới”, ông Thắng nói.

Theo một thông báo mới đây, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ sẽ không áp thuế đối ứng với điện thoại, máy tính xuất vào Mỹ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng khác vẫn chịu rủi ro áp thuế không nhỏ khi xuất khẩu vào thị trường này.

Giải pháp đối phó hiệu quả

Khi được hỏi về định hướng trong thời gian tới nếu như quá trình đàm phán không đưa ra được con số có lợi cho Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thăng cho rằng, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là phải giữ được việc làm cho người lao động, sau đó mới đến lợi ích của doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ tập trung cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhất. Cần thiết sẽ hy sinh lợi nhuận của doanh nghiệp để bảo đảm đủ việc làm và thu nhập cho người lao động. Bởi đây chính là những người sẽ bảo đảm được hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn”, ông Thăng nói.

Bên cạnh đó, ông Thăng cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ một cách linh hoạt và thông thoáng, đặc biệt là nguồn vốn hay các thủ tục hành chính từ Chính phủ.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trước khi Mỹ quyết định áp thuế đối ứng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam thì nhiều nhóm hàng xuất khẩu vào Mỹ thời gian qua vẫn phải chịu thuế xuất nhập khẩu trung bình khoảng 12%. Trong đó có mặt hàng chịu thuế 7%, 12%, thậm chí có sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện nay đang chịu mức thuế lên tới 27%.

Nguyên nhân do Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Hơn nữa, mức thuế 46% (hiện đang tạm hoãn trong 90 ngày) là con số tổng quan, không áp đồng loạt, mà áp theo từng dòng sản phẩm.

Vì thế, Cục Thống kê khuyến nghị doanh nghiệp bình tĩnh, tiếp tục thương thảo với các nhãn hàng, nhà mua hàng để thích ứng với mức thuế mới. Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm của Việt Nam và Việt Nam vẫn đang duy trì quan hệ với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ.

Trong trung hạn, các doanh nghiệp cần chờ động thái đàm phán giữa hai chính phủ trong thời hạn 90 ngày để có phương án ứng phó phù hợp. Tại nhiều địa phương, cơ quan thống kê cũng đã có những tổng hợp, đánh giá để đưa ra các kịch bản phù hợp nhất.

“Tại Bắc Ninh, chúng tôi đã đưa ra những kịch bản ở mức khác nhau bị tác động bởi mức thuế xuất đối với hàng hóa xuất sang Mỹ. Chẳng hạn như ngành sản xuất đồ gỗ, ngành dệt may… chúng tôi đã đưa một số kịch bản mức thuế 5%, 10% và 20%… sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh như thế nào? Từ đó thì kiến nghị các giải pháp ứng phó”.

Để thích ứng với mức thuế mới, bản thân doanh nghiệp cũng phải tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường mới để bảo đảm tính bền vững, lâu dài cho hoạt động của doanh nghiệp. “Nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa sản phẩm thông qua việc cắt giảm các chi phí đầu vào, tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…”, đại diện Chi cục Thống kê Bắc Ninh nói.

Cũng theo Cục Thống kê, sau khi kết thúc đàm phán sẽ có biểu thuế cụ thể vào Mỹ cho từng nhóm hàng như: ô-tô, dệt may, da giày, điện thoại, linh kiện… Các doanh nghiệp cần theo dõi sát để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng phân tích thêm, nếu Mỹ thật sự áp thuế cao, rõ ràng thị trường này sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể bị ngưng trệ với một số nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, thủy sản… Doanh nghiệp sẽ phải chủ động phân tán rủi ro sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, ASEAN...

Với EU - một thị trường khó tính nhưng không áp thuế cao, chúng ta nên kiên trì đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thậm chí có thể mời chuyên gia của họ sang tư vấn, hoặc chủ động tham gia chuỗi cung ứng của họ. Vượt qua được rào cản ban đầu, doanh nghiệp sẽ có cơ hội bền vững hơn, lợi ích dài hạn lớn hơn so với việc tiếp tục lao vào những thị trường rủi ro đang cao.

Với Trung Đông, tiêu chuẩn HALAL là bắt buộc. Một số doanh nghiệp Việt như Nutricare, Masan hay Vinamilk đã đầu tư bài bản và bước đầu thành công ở thị trường này. Dân số đạo Hồi toàn cầu khoảng 1,9 tỷ người - chỉ cần mỗi người chi

10 USD cho hàng Việt, ta đã có 19 tỷ USD kim ngạch. Thị trường rất lớn, chúng ta cần phải đẩy nhanh nghiên cứu để đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam có khả năng học hỏi nhanh, khi gặp đối tác họ được "cầm tay chỉ việc" làm luôn.

Tương tự, chúng ta cũng chưa khai thác hết tiềm năng ở các thị trường như Nga, Trung Á, ASEAN... “Doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và chủ động sẵn sàng đối phó với rủi ro. Rủi ro rồi sẽ qua đi. Tôi nghĩ thật ra cơ hội thị trường toàn cầu rất lớn, nếu như mình tiếp tục kiên trì thì vẫn còn nhiều cơ hội”, PGS, TS Lạng nói.

Để cải thiện cán cân thương mại với Mỹ, Cục Thống kê cho biết, Chính phủ vừa bổ sung mức thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng ô-tô, cherry, táo, nho khô…, trong nhóm này có nhiều mặt hàng xuất xứ Mỹ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như: Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA).