Động lực từ bán lẻ đa kênh
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I/2025 đánh dấu bước chuyển ấn tượng của thị trường bán lẻ Việt Nam, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, doanh thu bán lẻ đạt 570,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu mua sắm cao trong dịp Tết và mùa lễ hội.
Chiến lược bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa kênh trực tuyến (thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream) và trực tiếp (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã trở thành động lực chính thúc đẩy sức mua. Theo Công ty CP Công nghệ Sapo, có tới 55,7% trong 15.000 nhà bán hàng khảo sát đạt tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng. Trong đó, các nhà bán hàng có doanh thu tăng trưởng đang chú trọng và dành nhiều ngân sách quảng cáo qua mạng xã hội như Instagram, TikTok và Facebook, cũng như các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada,… cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng số.
Hệ thống siêu thị GO! là một trong những cái tên đang chuyển động mạnh mẽ nhất. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long cho biết, việc mở thêm cửa hàng không còn là chìa khóa duy nhất để tăng doanh thu. Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược bán hàng trực tuyến mạnh mẽ, tương tác hiệu quả trên mạng xã hội và tận dụng dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
“Kênh trực tuyến của GO! hiện xử lý 700-750 đơn hàng/ngày, chiếm 11% tổng doanh thu. Đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí giao trong bán kính 10km, kết hợp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại cửa hàng. Nhờ đó, doanh thu quý I/2025 có sự tăng trưởng tốt”, ông Tuấn thông tin.
Mô hình O2O (Online-to-Offline) cũng được các hệ thống lớn như Aeon, Bách Hóa Xanh, Winmart,… áp dụng hiệu quả. Người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác qua điện thoại, hàng hóa sẽ được giao tận nơi hoặc sẵn sàng nhận tại cửa hàng. Ghi nhận O2O giúp tăng lưu lượng khách trực tiếp tại các siêu thị thêm 15-20%, đặc biệt ở các đô thị như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hầu hết các chuỗi hệ thống siêu thị hiện tại đã nâng cấp trải nghiệm mua sắm này.
“Trước đây, tôi chủ yếu mua hàng ở siêu thị gần nhà, nhưng việc di chuyển, rồi xách đồ rất bất tiện, mỗi lần mua lại nhiều. Giờ đây, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại tại văn phòng, tôi đã có thể đặt hàng thiết yếu và nhận giao tận cửa vào buổi tối, vô cùng tiện lợi”, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.
Theo báo cáo tóm tắt tình hình kinh doanh năm 2024 của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG), kênh online của Bách Hóa Xanh đã phục vụ hơn 3 triệu lượt giao dịch thành công và đóng góp hơn 925 tỷ đồng doanh thu.
Đồng bộ công nghệ để giữ chân người tiêu dùng
Việc tạo ra một hành trình mua sắm liền mạch từ online đến offline đang trở thành chiến lược sống còn với nhiều nhà bán lẻ. Không đơn thuần chỉ là tích hợp công nghệ, điều quan trọng là tạo được sự thuận tiện tối đa cho khách hàng trong mọi hoạt động liên quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí vận hành tăng cao, đặc biệt sau đợt điều chỉnh phí sàn TMĐT từ 1/4, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp là làm sao tối ưu công nghệ nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả tài chính.
Theo ông Tín Lê, Giám đốc điều hành Công ty phân phối các giải pháp cơ sở hạ tầng mạng dành cho doanh nghiệp và trung tâm dữ liệu Adtek, chi phí sàn hiện chiếm tới 10% trong cơ cấu chi phí của nhiều nhà bán hàng. Thêm chi phí tiếp thị, logistics,… khiến lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp bị bào mòn. Dù vậy, đây cũng là cú huých để thị trường chuyển hướng minh bạch hóa vận hành và gia tăng tính cạnh tranh lành mạnh.
Để chăm sóc, giữ chân khách hàng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ bắt đầu chuyển sang nền tảng quản trị dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Bà Lê Thị Hương Thắm, Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon Xuân Thủy nhận định: “Đồng bộ giá bán online và offline là bài toán khó. Nếu không cẩn trọng, khách hàng có thể mất niềm tin khi thấy giá cả chênh lệch. Aeon đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý kho bãi và cá nhân hóa khuyến mãi. AI sẽ phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó đưa ra các ưu đãi phù hợp, như phiếu giảm giá dựa trên lịch sử mua sắm. Điều quan trọng là hiểu người tiêu dùng cần gì, qua từng lượt click, từng lần đánh giá đơn hàng, từng khung giờ họ hay mua sắm. Mỗi dữ liệu nhỏ đều giúp chúng tôi thấu hiểu khách hàng”.
“Các đồ dùng thiết yếu trong nhà như dầu gội, sữa tắm, tăm bông,… tôi không bao giờ phải tìm lại trên ứng dụng, chỉ cần mua một lần sẽ được ghi nhớ. Lúc đầu có thể sẽ cao hơn vài nghìn so với trực tiếp nhưng bù lại sự tiện lợi. Nếu đã đặt nhiều lần sẽ có rất nhiều ưu đãi, tính ra có những lúc còn rẻ hơn trực tiếp mà mình không phải đi”, chị Lê Thu Thủy (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Không chỉ có Aeon, nhiều “ông lớn” trong ngành bán lẻ cũng đã triển khai chatbot và robot phục vụ tại siêu thị nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm áp lực vận hành. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp không chỉ cần mở rộng kênh phân phối mà còn phải đầu tư bài bản vào quản trị dữ liệu, xây dựng thương hiệu số và đào tạo nhân sự TMĐT.
Nhìn về tương lai, bán lẻ đa kênh tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, nhờ sự gia tăng của thói quen mua sắm trực tuyến. Các công nghệ như thực tế ảo (VR) để trải nghiệm sản phẩm từ xa hay thanh toán không tiếp xúc dự kiến sẽ tiếp tục định hình lại ngành bán lẻ.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào công nghệ, mà còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về bảo mật, dịch vụ hậu mãi, minh bạch thông tin. Đó cũng chính là yếu tố cạnh tranh cốt lõi trong môi trường kinh doanh bán lẻ ngày càng khốc liệt.