Thông lệ mới của công ty đại chúng

Về danh nghĩa, các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều là công ty đại chúng, nhưng trong thực tế thông lệ “đại chúng” đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhất là sau mỗi mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ).
0:00 / 0:00
0:00

Nói đơn giản hơn thì công ty đại chúng phải là công ty của công chúng ở nhiều góc độ, chẳng hạn về yếu tố nhận diện thương hiệu thì đó phải là thương hiệu lớn, gần gũi, về việc quan hệ cổ đông (IR) hay quan hệ công chúng (PR) không đơn thuần chỉ là các báo cáo định kỳ mà còn phải có sự tương tác cao hơn quy định, hoạt động phải có “hơi thở của thời đại”…

Tại ĐHCĐ của Công ty chứng khoán SSI mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng đã trả lời rành rọt từng câu hỏi liên quan đến công nghệ blockchain, tiền số… Đây là những vấn đề “hot”, vốn được giới trẻ quan tâm và thực tế thì xu hướng trẻ hóa cổ đông diễn ra rất mạnh mẽ trên toàn thị trường chứng khoán. Trong đó có những nhà đầu tư (NĐT) trẻ dịch chuyển từ tiền số (coin) sang chứng khoán. Và không chỉ các cổ đông trẻ tuổi, ngay cả những cổ đông kỳ cựu cũng cảm thấy hài lòng trước lời khẳng định của người đứng đầu SSI, rằng chỉ triển khai tài sản số khi khung nền tảng pháp lý rõ ràng, có hiệu quả, quản trị rủi ro, bảo đảm giữ được uy tín của doanh nghiệp. Đối thoại với cổ đông là một “đặc sản” trong mỗi kỳ ĐHCĐ của SSI nhưng bản thân ông Nguyễn Duy Hưng cũng rất chịu khó làm mới mình, không chỉ là yếu tố thông tin mà ngay cả trong cách sử dụng các từ ngữ cũng rất “cập nhật” theo ngôn ngữ của “cõi mạng” để gia tăng thêm phần gần gũi với công chúng.

Được nhiều NĐT mệnh danh là cổ phiếu quốc dân nên không có gì ngạc nhiên khi ĐHCĐ của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) không còn một chỗ trống trong khán phòng. ĐHCĐ của những công ty đầu ngành như HPG hay SSI không đơn thuần là chuyện trao đổi thông tin, bầu bán thành viên, hỏi đáp... mà là một dịp để cổ đông trải nghiệm và thể hiện suy nghĩ, kỳ vọng của mình và gặp gỡ các nhà quản lý. Rất nhiều cổ đông đã chụp hình cùng ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của HPG. Khoảng 10-15 năm trước, dù ĐHCĐ có đông đến mấy thì việc này cũng là hiếm có, nhưng giờ đây có lẽ các ông chủ hay lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ phải quen với việc này. Không đơn thuần chỉ là mỗi năm gặp một lần mà hoạt động, phát ngôn của những người đứng đầu doanh nghiệp cũng sẽ bị soi xét nhiều hơn. Bỏ qua các mặt trái thì điều này sẽ buộc doanh nghiệp phải rất cẩn thận, chỉn chu về mặt hình ảnh, thông điệp, và tính minh bạch cũng phải liên tục cải thiện để đáp ứng kỳ vọng cổ đông.

Một điều chắc chắn là những thông lệ về tính đại chúng của doanh nghiệp đã được nâng lên rất nhanh, dù điều này ít khi được lượng hóa hay bàn quá sâu. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp bắt kịp xu thế nhưng đồng thời cũng trở thành rủi ro cho những doanh nghiệp chậm thay đổi. Bởi lẽ đến khi chênh lệch về tính đại chúng giữa các doanh nghiệp trở nên rõ ràng thì dù có muốn cải thiện cách mấy cũng rất khó để thực hiện trong thời gian ngắn vì đơn giản là niềm tin, uy tín cần được gầy dựng và củng cố trong thời gian dài.