Nhiều NĐT đã rời bỏ TTCK trong năm 2024, trong đó có nhiều NĐT thuộc lứa kỳ cựu U50, U60 với thâm niên hàng chục năm trở lên. Nhưng điều này ít được bàn đến vì hai lý do: Thứ nhất, số lượng NĐT mới tham gia chứng khoán vẫn áp đảo, tức là lượng NĐT vẫn “gia tăng ròng”. Thứ hai, đây là một xu hướng tất yếu, thanh lọc cổ phiếu (CP), thanh lọc hàng hóa trên TTCK thì sẽ phải thanh lọc cả NĐT.
Chị Hương, một môi giới có hơn 10 năm làm nghề phân tích: Nếu gọi là sóng theo tiêu chí cũ, tức là tăng giá trên diện rộng, tạo cảm giác “dễ chơi” thì năm 2024 chỉ có đúng một lần đó là vào quý I. 3 quý cuối của năm 2024 thị trường biến động khắc nghiệt dễ dẫn đến việc một số NĐT dù có thắng có thua nhưng tài khoản âm. Thậm chí nếu tài sản không âm thì cũng cảm thấy thật sự khó kiếm tiền.
Một NĐT đã tham gia thị trường được 5 năm cho biết, đang giữ một CP thuộc hàng blue chip trên sàn, nhưng vì chị mua giá hơi cao nên hiện giờ chưa có lãi. “Nhìn một số người khác mua được giá thấp CP này và có lãi trong ngắn hạn tất nhiên mình cũng “tâm tư” nhưng hơn một năm qua bản thân đã phải thay đổi tư duy về đầu tư chứng khoán, không thể lướt mãi vì quá khó, mà chuyển sang nắm giữ dài hạn. Nhưng sự chuyển đổi nào cũng phải mất thời gian để học và thích nghi”, NĐT này nhấn mạnh.
Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3, TP Hồ Chí Minh của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo: Tính cân bằng sẽ ngày một rõ hơn nữa trên TTCK. Nghĩa cơ hội luôn đi kèm rủi ro đòi hỏi bất cứ ai tham gia thị trường với tầm nhìn, mục tiêu ngắn hay dài hạn cũng phải cẩn trọng. Ngay cả lúc có sóng mạnh, cũng chưa chắc phần thắng đã thuộc về tất cả, còn trong tình hình thị trường đi ngang, chỉ có sự khôn ngoan và kiên nhẫn, chuyên nghiệp mới giúp cho NĐT tồn tại.
Về lực hỗ trợ, từ nay cho đến hết tháng 4, nền tảng chính cho thị trường vẫn là những kỳ vọng về tiến trình nâng hạng cộng với kết quả kinh doanh năm và mùa đại hội cổ đông. Đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực về dòng tiền khi những phiên giao dịch có thanh khoản vượt 10.000 tỷ đồng/phiên xuất hiện nhiều trở lại. Nhưng trừ khi thanh khoản có thể bứt phá lên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên trong ngắn hạn, còn lại nếu vẫn ở vùng 10.000-15.000 tỷ đồng/phiên tại HoSE thì xu hướng tích cực vẫn có nhưng không có sự bùng nổ.
Ưu tiên hàng đầu của NĐT vẫn chính là bảo vệ rủi ro trước, thông qua việc lựa chọn những CP có chất lượng, thanh khoản cao, có rủi ro thấp hơn so với biến động chung. Nguyên tắc bảo vệ tiền trước tiên có lẽ nên được áp dụng trước khi tính đến những giải pháp tăng trưởng vì bảo vệ tốt thì cơ hội sinh lời luôn luôn xuất hiện.