Không thể nóng vội

Thống kê đã chỉ ra những đợt giảm giá hoảng loạn của thị trường chứng khoán đều phục hồi như cũ và thậm chí còn tăng mạnh hơn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư hiện nay đang kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ quay lại mức tương tự như khi VN Index ở vùng 1.300 điểm.
0:00 / 0:00
0:00

Lịch sử có thể sẽ một lần nữa lặp lại nhưng đường đi thực tế là chưa bao giờ đơn giản với những nhà đầu tư (NĐT) ngày ngày bám sàn. Lý do đơn giản là diễn biến cổ phiếu (CP) theo thời gian thật (real time) sẽ khác với số liệu hay biểu đồ cuối ngày. NĐT có thể mua vào ngày T với những kỳ vọng lớn lao, lãi 20% mới bán, nhưng đến T+2,5 thấy CP biến động quá mạnh, phát ra tín hiệu giảm, lại có thể hành động khác.

Trước tiên, cần phải khẳng định lịch sử có giá trị tham khảo, nhưng hành động cần linh hoạt. Các từ khóa “hot” của thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay như “thuế quan” hay “thương chiến” đã và đang chi phối giá CP mạnh mẽ. Thực tế, những nhóm ngành như dệt may, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng sau khi phục hồi khoảng 10% đã bắt đầu gặp những ngưỡng cản xét ở góc độ cung cầu, chứ chưa nói đến yếu tố cơ bản, tức khả năng chịu ảnh hưởng thật sự. Hãy xem lại khoảng thời gian “về bờ” của những lần hoảng loạn trước đó sẽ thấy phải tính bằng vài tháng trong khi lần này mới diễn ra được có hai tuần. Chính vì vậy, ngay thời điểm này tìm kiếm CP hoặc kỳ vọng mức sinh lời 30-50% là phi thực tế. Một nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, ngay cả CP tốt, không chịu ảnh hưởng từ các yếu tố thương chiến hay thuế quan cũng chưa chắc tăng mạnh lúc này, vì chúng thậm chí có thể bị “đè giá” để tiếp tục gom thêm.

Vậy lựa chọn phù hợp lúc này là gì? Bộ phận phân tích của một số công ty chứng khoán lớn, các chuyên gia và cả chính các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã nhận định về ảnh hưởng của yếu tố thuế quan xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ, đến hoạt động của DN, nghĩa là đã phần nào định lượng được. NĐT thận trọng có thể cân nhắc với những CP được cho là có ảnh hưởng mạnh, nhưng ngay cả CP không ảnh hưởng vẫn có thể biến động mạnh trong phiên. Ngoài khả năng bị “đè giá” như đã nói ở trên, cần biết đặc tính của TTCK tại những vùng đáy ngắn hạn đó là mức độ rung lắc rất cao. Điển hình là chênh lệch giữa vùng cao nhất của VN Index trong hai phiên 15 và 16/4 lên đến 25-30 điểm, tức là khoảng 2-3%. Cứ giả định NĐT nào đó dùng lãi vay (margin) với tỷ lệ 1:1 (có 1 đồng vay thêm 1 đồng) để mua CP và khi CP biến động trong phiên 2-3% thì mức độ sụt giảm tổng tài sản có thể đã lên đến 4-6%, mà đây là tỷ lệ không hề nhỏ. Điều này dễ dẫn đến hành động NĐT cắt lỗ ngắn hạn cho chắc, nhưng có khi đến cuối phiên giá CP lại trở về vùng tham chiếu. Và cứ vài lần như vậy, có khi giá CP đi ngang (cuối phiên), VN Index cũng không giảm, nhưng tài sản NĐT lại hao hụt 15-20%.

VN Index nhiều khả năng vẫn sẽ trụ vững ở ngưỡng 1.200 điểm, xác lập điểm cân bằng cho những bứt phá tiếp theo, nhưng kèm theo đó sẽ là những đợt rung lắc trong phiên dữ dội. Như vậy, ngoài việc lựa chọn CP kỹ lưỡng, NĐT cũng có thể hạn chế sử dụng margin để giảm tỷ lệ hao hụt tài sản trong trường hợp CP rung lắc, đặc tính không thể tránh khỏi tại những thời điểm như hiện nay.