Đoạn trường KRX

Sau 13 năm “lỡ hẹn”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức công bố một lộ trình cụ thể cho việc vận hành hệ thống KRX. Kỳ vọng vẫn rất lớn nhưng với 8 lần “mừng hụt”, các nhà đầu tư có quá nhiều băn khoăn.
Đoạn trường KRX

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa thông báo sẽ triển khai hệ thống KRX sau khi các thành viên hoàn tất quá trình kiểm thử (từ ngày 17/3 đến 11/4/2025), với thời gian vận hành dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6/2025. Ngay trong tháng 4 tới, các sở giao dịch chứng khoán cùng Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ công bố chi tiết về các chức năng và tính năng mới của hệ thống, giúp thị trường có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi KRX chính thức đi vào hoạt động.

Dự kiến có nhiều thay đổi trong quy định

Song song với kế hoạch này, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng khẳng định sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) vào năm 2026. Theo các chuyên gia, khi thị trường tài chính phát triển với tần suất giao dịch ngày càng cao, việc áp dụng CCP là cần thiết để nâng cao tính an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố những thay đổi dự kiến trong quy định giao dịch chứng khoán khi triển khai hệ thống KRX. Theo đó, lệnh ATO/ATC sẽ không còn được ưu tiên trước lệnh giới hạn (LO) đã nhập trước đó khi so khớp lệnh. Đồng thời, thay vì hiển thị ký hiệu “ATO” hoặc “ATC” như hiện tại, lệnh ATO/ATC sẽ hiển thị ở một mức giá xác định tương tự lệnh giới hạn.

Trong trường hợp chỉ còn dư mua hoặc dư bán của lệnh ATO/ATC, giá hiển thị sẽ là giá khớp dự kiến hoặc giá tham chiếu nếu chưa có giá khớp gần nhất. Nhà đầu tư có thể sửa giá hoặc khối lượng của lệnh LO chưa khớp, với nguyên tắc: sửa giảm khối lượng giữ nguyên thứ tự ưu tiên, trong khi sửa tăng khối lượng hoặc giá sẽ làm thay đổi thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận sau khi thực hiện sẽ không được sửa hoặc hủy như trước đây.

Về room ngoại (tỷ lệ cổ phiếu tối đa mà khối ngoại được phép sở hữu), khi áp dụng KRX, room sẽ giảm ngay khi lệnh mua của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được nhập vào hệ thống, thay vì sau khi lệnh được khớp như hiện nay. Nếu lệnh mua bị hủy hoặc sửa giảm khối lượng, room ngoại sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng. Đối với giao dịch thỏa thuận, room cũng sẽ giảm ngay khi lệnh chào mua của NĐTNN được nhập vào hệ thống, thay vì sau khi giao dịch hoàn tất.

Chứng khoán thuộc diện hạn chế giao dịch sẽ được phép giao dịch cả ngày theo phương thức khớp lệnh định kỳ, bao gồm đợt xác định giá mở cửa, các đợt kéo dài 15 phút và đợt xác định giá đóng cửa. Hiện tại, nhóm chứng khoán này chỉ được giao dịch vào buổi chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Ngoài ra, trong đợt khớp lệnh định kỳ, hệ thống mới sẽ chỉ hiển thị 3 mức giá chào mua, chào bán tốt nhất còn lại sau khi khớp lệnh, thay vì hiển thị toàn bộ lệnh trên sổ giao dịch như hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc đưa KRX vào vận hành không chỉ cấp thiết mà còn mở ra cơ hội đa dạng hóa sản phẩm tài chính. Hệ thống này sẽ là nền tảng để triển khai các sản phẩm giao dịch mới mà hệ thống hiện tại chưa thể đáp ứng, chẳng hạn như giao dịch T+0 hoặc các sản phẩm phái sinh khác.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định rằng khi KRX đi vào hoạt động, thị trường sẽ có thêm nhiều công cụ như bán khống cổ phiếu, thanh toán bù trừ theo thời gian thật (realtime), giúp giao dịch linh hoạt hơn.

Nhiều công ty chứng khoán, tổ chức phân tích và quỹ đầu tư tin rằng KRX sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chuyên gia kỳ vọng, với việc đáp ứng hai tiêu chí còn lại của FTSE Russell bao gồm Pre-Funding (ký quỹ giao dịch) và chi phí liên quan đến giao dịch thất bại, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nhận được đánh giá tích cực trong kỳ xem xét tháng 3/2025 và có thể được nâng hạng lên Thị trường mới nổi hạng hai vào tháng 9/2025.

Đoạn trường KRX ảnh 1

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã công bố những thay đổi dự kiến khi triển khai hệ thống KRX.

Nhà đầu tư “hao hụt” niềm tin vào tiến độ

Dù kỳ vọng hệ thống KRX sẽ giúp cải thiện thanh khoản, nhưng việc liên tục lỡ hẹn đã khiến nhà đầu tư mất dần kiên nhẫn. Thị trường vẫn phải vận hành trên hệ thống cũ với nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng nghẽn lệnh từng gây ra nhiều bức xúc.

Từ năm 2015 đến nay, HoSE đã 8 lần hoãn lịch vận hành KRX, với lần gần nhất là ngày 2/5/2024. Đáng nói, phần lớn các lần trì hoãn đều được thông báo vào phút chót, khiến nhà đầu tư nhiều lần "mừng hụt" và ngày càng hoài nghi về khả năng triển khai KRX trên thực tế.

Một trong những lần lỡ hẹn đáng chú ý nhất là năm 2023, khi giới đầu tư kỳ vọng KRX sẽ chính thức vận hành vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Tuy nhiên, ngay sát thời điểm đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ra công văn hỏa tốc bác bỏ kế hoạch này. Nguyên nhân là HoSE đã tự đề xuất triển khai KRX mà chưa báo cáo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và chưa có ý kiến từ các đơn vị liên quan như HNX, VSDC, dẫn đến việc chưa bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Ngoài ra, theo tờ trình ngày 25/4 của HoSE, hệ thống KRX vẫn chưa có biên bản nghiệm thu tổng thể giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thụ hưởng, vi phạm quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, hệ thống này cũng chưa được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin (cấp độ 4) theo quy định của Chính phủ. Những vướng mắc này khiến quá trình triển khai tiếp tục trì hoãn, làm dấy lên câu hỏi về năng lực thực hiện của các bên liên quan.

Việc một hệ thống công nghệ được chuẩn bị suốt 13 năm vẫn chưa thể đi vào vận hành đặt ra nhiều nghi ngại. Một phần nguyên nhân đến từ sự phức tạp của hệ thống mới, đòi hỏi tích hợp nhiều bên và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, sự chậm trễ cũng phản ánh những vấn đề trong quản lý dự án, quy trình phê duyệt và khả năng phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Khi thời điểm triển khai tiếp tục bị đẩy lùi, nhà đầu tư ngày càng dè dặt trước những tuyên bố về tiến độ từ cơ quan quản lý, đặt dấu hỏi lớn về việc liệu KRX có thật sự "đúng hẹn" trong lần kế tiếp hay không.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc KRX vận hành chỉ là điều kiện cần cho việc triển khai T+0, còn điều kiện đủ thì phải chờ quyết định từ phía cơ quan quản lý, bởi thực tế, lo ngại lớn nhất là khả năng quản lý rủi ro về phía thành viên thị trường, khi mà thống kê hằng năm cho thấy, vẫn có trường hợp phải sửa lỗi sau giao dịch, xử lý lỗi. Thậm chí, có trường hợp công ty chứng khoán phải lùi thời hạn thanh toán hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt ký quỹ của khách hàng.

Thực tế cho thấy, rủi ro mất khả năng thanh toán tiềm ẩn khi triển khai thực hiện giao dịch trong ngày là hiện hữu. Việc cân nhắc một cách thận trọng giữa lợi ích và rủi ro không thể không tính đến. Tuy nhiên, chuyên gia của Chứng khoán Vietcap cho rằng, để nâng hạng thị trường, Việt Nam cần chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định trong cơ chế giao dịch.

Thị trường chứng khoán là miền đất tiềm năng để áp dụng những công nghệ mới nhất. Đó cũng là kênh huy động vốn trong dân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh… hiệu quả. Những bước đi “cẩn trọng” quá mức của cơ quan quản lý có thể khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội. Thị trường đã đủ lớn để tự hào, nhưng trong tương lai có vươn hẳn lên tầm cao mới hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết đoán của bộ máy.

KRX là hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin với kỹ thuật và công nghệ của Hàn Quốc, đóng vai trò quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán. Hệ thống này được Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc phát triển nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.