Vì sao các doanh nghiệp rút tiền?

Các tổ chức đã rút hàng trăm nghìn tỷ đồng ra khỏi kênh tiền gửi ngân hàng. Liệu đây có thể được coi là một tín hiệu tích cực, cho thấy dòng tiền đang được đưa trở lại nền kinh tế?
0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn chưa triển khai kế hoạch tái đầu tư gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH
Trong giai đoạn chưa triển khai kế hoạch tái đầu tư gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: NAM ANH

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của hệ thống ngân hàng đã giảm 0,75% so cuối năm 2024. Dù tiền gửi từ dân cư vẫn tăng 123.000 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp mức rút ròng mạnh mẽ tới 233.000 tỷ đồng từ khối tổ chức kinh tế, tương ứng mức giảm 3,04% so với tháng trước. Đây là lần đầu sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận xu hướng sụt giảm.

Khoản lợi nhuận lớn nhưng không bền vững

Đến cuối năm 2024, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) đã vượt qua PV Gas để trở thành doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, Vingroup đang sở hữu 47.762 tỷ đồng dưới dạng tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 36% so với đầu năm.

Trong số này, hơn 42.000 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tháng, hưởng lãi suất dao động từ 1,9% đến 5,7%/năm. Hơn 5.000 tỷ đồng còn lại được gửi với kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, với mức lãi suất cao nhất lên tới 7,1%/năm. Nhờ sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng lớn, riêng trong quý IV/2024, Vingroup đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng tiền lãi.

Vị trí á quân trong danh sách doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt lớn thuộc về Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) với 43.017 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi, tăng 13% so với đầu năm. Riêng tiền gửi của chủ sở hữu Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chiếm gần 50% tổng tài sản, giúp doanh nghiệp thu về gần 1.250 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2024. Đây là khoản thu lớn giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn thu hẹp khoản lỗ nghìn tỷ từ năm trước.

Đứng thứ ba là Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (mã: VGI), với 36.864 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính quý I/2025, số dư tiền mặt của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) tại ngày 31/3 đã vượt 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ này tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay đối tác với giá trị danh mục tăng hơn 900 tỷ đồng trong quý đầu năm, đạt gần 7.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Tính đến cuối quý I/2025, tổng giá trị các khoản tiền mặt, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và cho vay đối tác của MWG đã vượt 42.000 tỷ đồng, tăng 5% so cuối năm trước.

Tương tự, trường hợp của Công ty CP Sữa Quốc tế LOF (mã: IDP) cũng gây bất ngờ khi phần lớn lợi nhuận đến từ lãi tiền gửi và tiền cho vay – dù hoạt động chính là kinh doanh sữa. Năm 2024, doanh thu thuần của LOF đạt 7.658 tỷ đồng, tăng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 5,3% còn 875 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm trước.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của công ty đạt 6.945 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi duy trì ở mức cao với hơn 1.850 tỷ đồng (giảm 410 tỷ đồng so với đầu năm), riêng tiền gửi ngân hàng chiếm hơn 1.800 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh 47%, lên 641,6 tỷ đồng. Nhờ lượng tiền gửi lớn, lãi từ tiền gửi và cho vay đạt 145 tỷ đồng tính đến cuối năm.

Nêu quan điểm về việc các doanh nghiệp “ôm” tiền gửi ngân hàng, ông Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính cho biết, thông thường, trong giai đoạn chưa thể triển khai kế hoạch tái đầu tư do điều kiện kinh tế chưa thuận lợi, gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp. Khoản tiền này còn đóng vai trò như “phao cứu sinh” trong các chu kỳ suy thoái kinh tế, giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận.

Doanh nghiệp chuyển trạng thái chủ động

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn thu từ lãi tiền gửi, dòng tiền sẽ mang tính bị động và thiếu bền vững. Trong trường hợp phải rút tiền gửi để trả nợ, hoặc khi lãi suất trên thị trường giảm, khoản thu tài chính sẽ sụt giảm, dẫn đến lợi nhuận chung bị ảnh hưởng đáng kể và doanh nghiệp có thể đối mặt áp lực tài chính lớn hơn.

Vì vậy, việc các tổ chức rút tới 233.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng được đánh giá là tín hiệu tích cực, cho thấy dòng tiền đang được đưa trở lại nền kinh tế. Thay vì giữ tiền trong ngân hàng để hưởng lãi suất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn vốn này cho các hoạt động như mở rộng sản xuất, tăng dự trữ hàng hóa, đầu tư thiết bị, hoặc triển khai kế hoạch mới.

Ở chiều ngược lại, một điểm đáng lo ngại là hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt áp lực bù đắp nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ huy động. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới tăng 1,36%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 2,49%. Điều này dẫn đến chênh lệch giữa huy động và cho vay lên tới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Đây là một khoảng cách lớn, và khả năng còn tiếp tục nới rộng.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, NHNN cũng thừa nhận mặt bằng lãi suất đang chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. Cụ thể, việc lãi suất cho vay đã giảm khá sâu trong thời gian qua đã làm thu hẹp biên lợi nhuận của ngân hàng; tiếp đến nhu cầu vay vốn cho sản xuất, tiêu dùng và đầu tư dự kiến sẽ tăng mạnh để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi khả năng huy động vốn lại có thể bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và chứng khoán.

Bên cạnh đó, dù lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao và thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động, nhất là sau khi Mỹ áp thuế đối ứng lên một số quốc gia, khiến bối cảnh trở nên khó lường hơn. Theo đó, để giải quyết phần thiếu hụt, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn “khủng”, rầm rộ phát hành trái phiếu để huy động nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong năm nay sẽ cơ bản ổn định, nhờ NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cùng với dòng vốn FDI tiếp tục duy trì ổn định sẽ góp phần hỗ trợ thanh khoản. Hơn nữa, trong bối cảnh rủi ro từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, dòng tiền có thể quay lại với kênh tiền gửi ngân hàng như một lựa chọn an toàn.

Việc các tổ chức rút lượng lớn tiền mặt ra khỏi hệ thống ngân hàng phản ánh sự dịch chuyển từ trạng thái phòng thủ sang chủ động, cho thấy niềm tin vào triển vọng phục hồi đang dần cải thiện, các hoạt động kinh tế bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn sau thời gian dài trầm lắng.