Động lực làm mới của du lịch

Có nhiều nguyên nhân tạo nên sức hút cho những thành phố du lịch, hay có thể nói là “thương hiệu du lịch” như Hạ Long, Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt…
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng một điểm chung không thể thiếu, đó là động lực làm mới mình liên tục từ những địa danh này. Tất nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, không thể tối ưu tất cả sản phẩm, nhưng nhiều sản phẩm đặc sắc sẽ tạo ra thiện cảm và sức hút lớn đối với du khách.

Nói đơn cử như những thông tin về giá cả “chặt chém” hay những phiền toái mà du khách thỉnh thoảng vẫn gặp tại Nha Trang, Đà Lạt, những thành phố du lịch có tính quốc tế, thì cũng khó lòng làm giảm sức hút của các địa danh này khi khách vẫn nườm nượp đông. Khi các giải chạy bộ bùng nổ trong ba năm gần đây thì TP Đà Lạt nói riêng hay tỉnh Lâm Đồng nói chung trở thành địa phương có số lượng giải chạy (cả marathon lẫn trail) nhiều bậc nhất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Khoa Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Unique, đơn vị tổ chức một trong những giải chạy trail ấn tượng nhất hiện nay là Prenn Trail Summit tại Lâm Đồng, chia sẻ: Các lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng có sự đồng cảm sâu sắc với những người làm sự kiện như chúng tôi. Các sự kiện một mặt đều phải tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe, để bảo đảm thương hiệu cho địa phương, an toàn cho du khách và vận động viên, nhưng lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều đồng hành với các nhà tổ chức để xử lý nếu có thách thức.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc luôn làm mới là một áp lực rất lớn nhưng cần thiết và muốn thành công, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chẳng hạn, hiện nay mới chỉ ở quý II/2025, nhưng tôi cũng đã phác thảo những ý tưởng cho năm 2026. Nhưng mấu chốt của vấn đề là muốn làm mới cần có cả sự đồng cảm từ nhân dân, du khách”. Nói đơn giản, nếu người dân tại địa phương cảm nhận được sự kiện hay, thì chính họ sẽ trở thành những đại sứ giới thiệu với du khách và tạo ra sự quan tâm cộng hưởng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nếu như Nha Trang hay Đà Lạt có thể xem là những thành phố có độ mở cao với các sản phẩm du lịch thì TP Huế, với những sản phẩm du lịch có tính truyền thống, đề cao giá trị bảo tồn, thì việc làm mới trên những nền tảng sẵn có, vẫn là việc phải làm. Những năm gần đây, áo dài trở thành một giá trị văn hóa kết nối du khách với Huế. Có thể lấy một dẫn chứng đơn giản: Người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể mặc áo dài với niềm tự hào về trang phục của dân tộc, nhưng đến Huế mặc áo dài, chụp ảnh, hay may một bộ áo dài tại Huế luôn tạo ra một cảm giác đặc biệt. Một trong những nguyên nhân tạo ra sức hút bền bỉ của áo dài tại Huế chính là việc luôn làm mới theo hướng ngày một bài bản, tinh xảo hơn.

Việc người dân TP Huế đưa việc sử dụng áo dài trở thành niềm tự hào và cả một nghệ thuật tạo nên một không khí trải nghiệm đặc biệt. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho biết: Rất nhiều người dân, ở nhiều ngành nghề, lứa tuổi khác nhau, từ học sinh đến cụ già, đều là đại sứ áo dài và họ đều có thể trở thành cẩm nang về áo dài cho du khách. Điều này tạo nên sức hút, để du khách còn muốn quay lại, khám phá Huế nhiều lần, nghĩa là họ luôn tìm thấy những cái mới cho trải nghiệm của mình.