“Ready to cook” còn có những cách gọi khác như “bữa ăn tươi” hay “suất ăn sẵn” và việc đa dạng trong cách gọi này một mặt cho thấy đây là phân khúc có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự công phu trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Khoảng một thập kỷ trước, một trong những món “ready to cook” xuất hiện trên thị trường gây khá nhiều sự chú ý lẫn bàn tán là nước mía sấy khô. Theo đó, nước mía được sấy thành dạng bột và chỉ cần pha thêm nước là có thể uống, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc này không thể giữ được hương vị mía tươi và uống giống… nước đường. Tất nhiên, ẩm thực cũng như nghệ thuật, trăm người trăm khẩu vị khác nhau.
Nhu cầu với sản phẩm “ready to cook” bắt đầu tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19 và trong khoảng 5 năm gần đây đã trở thành một cuộc chơi với những tập đoàn lớn và cả những đơn vị vừa và nhỏ. Không khó để cảm nhận sự khác biệt, nếu như trước đây “ready to cook” chỉ là ăn được hoặc “không dở” thì giờ đây sản phẩm “phải ngon” mới có thể chinh phục được khách hàng và tham vọng của các nhà sản xuất cũng lớn hơn: Đó là đưa những món ăn tưởng chừng như chỉ có tự nấu, hoặc ra hàng quán ăn trực tiếp kiểu như bún bò, lẩu, cơm chiên… thành sản phẩm “ready to cook”. Chẳng hạn, cơm chiên hải sản của một thương hiệu thực phẩm có tiếng đang được bán với giá 25.000 đồng/gói đang là một trong những sản phẩm “ready to cook” được đánh giá cao bởi độ tiện dụng, khi chỉ cần 3 phút trong lò vi sóng là có thể dùng lập tức với chất lượng có thể lên đến 80% so với cơm chiên tại hàng quán.
Nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm “bữa ăn tươi” cũng khá đa dạng, đó là không thích, hoặc không thể đi ra hàng quán, nhưng vẫn muốn thưởng thức món ăn mang hương vị tươi ngon. Chưa kể nếu so lợi ích kinh tế, sản phẩm “ready to cook” có giá chỉ bằng 50-70% giá một phần ăn tương đương tại hàng quán nhưng chất lượng đạt 80-90% thì cũng đáng để thử.
Tính đến thời điểm này, dù đang phát triển khá nhanh nhưng “ready to cook” vẫn sẽ là thị trường ngách nếu so với những dòng sản phẩm khác. Nhưng tác dụng sẽ không chỉ nằm ở chuyện doanh số, mà còn có cả mục đích thương hiệu, tương tác, gắn kết với thị trường, khách hàng. Chẳng hạn, một quán bún chả nổi tiếng tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), có bán cả nem cua bể đông lạnh để khách hàng đem về chiên, hay những thương hiệu ẩm thực danh tiếng cũng nghiên cứu đưa một vài món để chế biến thành “ready to cook”. Không bàn đến bài toán lợi nhuận ở đây thì cách làm này sẽ giúp các đơn vị kinh doanh ăn uống giữ chân được khách hàng, nếu không muốn bị một sản phẩm khác lấy mất. Còn với các nhãn hàng lớn, việc tham gia “ready to cook” cũng là để giữ vị thế của mình trên thị trường, tiếp tục đa dạng dòng sản phẩm để phục vụ càng nhiều khách hàng càng tốt.