Động thái không bất ngờ

Việc sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng các loại phí với người bán có thể là một cú sốc, nhưng không có gì bất ngờ bởi điều này đã được dự báo từ lâu, khác biệt chỉ là người làm trước kẻ làm sau.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế, hiện nay có những món đồ mua trên sàn TMĐT, nhất là những sàn lớn và “hot” sẽ có những mức giá được cho là lỗ. Có những sản phẩm điện tử, công nghệ, giá vốn đã giảm 20-30%, sau đó nếu dùng thêm mã khuyến mãi thì còn giảm tiếp 10-12%, quy ra khoảng 1-1,5 triệu đồng. Những người có thâm niên trong ngành kinh doanh hàng công nghệ nhìn vào tỷ lệ giảm này cũng chỉ biết… cười trừ hoặc lắc đầu. Trong trường hợp này, nếu người bán không chịu lỗ thì khả năng sẽ là phía sàn TMĐT chịu phần chi phí khuyến mãi này để hút khách, nhưng tựu trung lại thì không ai có thể chịu lỗ mãi được.

Khoảng hai năm trước, khi Tiki bắt đầu siết lại các chương trình khuyến mãi, tính toán chặt chẽ hơn các loại phí vận chuyển (phí ship) thì ngay lập tức sàn này bị ảnh hưởng và “văng” khỏi tốp 3 thị trường. Mặc dù vẫn có nhiều sàn bán trên Tiki, nhưng nổi trội nhất vẫn là Tiki Trading, cũng trong cùng hệ thống và là nhà bán lớn nhất. Nhìn chung, khi Tiki siết lại, giá bán sẽ tăng lên và tất nhiên người mua có xu hướng tìm mua ở sàn khác nếu cùng một loại sản phẩm có giá rẻ hơn. Vấn đề là trong vài năm qua, có thể dù không còn mạnh, nhưng đến thời điểm này Tiki vẫn có ưu thế lớn trong một số mảng như bán sách, như chăm sóc khách hàng. Nói vậy để thấy rằng, siết chi phí dù có ảnh hưởng nghiêm trọng cũng không đến mức thảm họa và nhà bán sẽ phải tìm cách để đối mặt với thách thức.

Shopee, Lazada, TikTok Shop chọn việc tăng phí với người bán sẽ dẫn đến việc, nếu giữ nguyên giá bán thì lợi nhuận của người bán giảm, thậm chí âm, còn nếu tăng giá sẽ khiến người mua dè chừng, hoặc có thể mất khách. Tựu trung, nhiều khả năng mua hàng TMĐT có thể sẽ không còn rẻ như trước nữa. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng phí của các sàn TMĐT. Đầu tiên có thể kể đến việc các sàn này đã hoàn thiện hạ tầng vận hành theo hướng tối ưu hóa. Chẳng hạn, có đơn vị vận chuyển riêng như Shopee có SPX, hay Lazada có Lex, Tiki có TikiNOW. Việc thiết lập hệ thống vận chuyển, cất trữ riêng sẽ thúc đẩy tốc độ và cả chất lượng giao nhận cao hơn. Ngoài ra, việc tăng phí có thể xem như phần bù vào chi phí đầu tư cho hệ thống cũng như các chương trình “sale khủng” liên tục diễn ra trong thời gian dài.

Câu hỏi đặt ra là sau khi tăng phí, các sàn TMĐT sẽ có động thái gì để tối ưu hóa hoạt động cho các nhà bán. Cũng cần biết rằng, khi chịu mức phí tăng cao, các nhà bán hay nhà sản xuất sẽ phải tìm hướng đi khác. Chẳng hạn, các nhà bán sẽ tìm cách bán trực tiếp, hoặc liên kết với những KOL có thế mạnh bán hàng để tìm cách giảm chi phí. Sau việc động thái tăng phí này, trong ngắn hạn vị thế các sàn sẽ chưa có nhiều thay đổi, nhưng thị trường có thể phân mảnh thêm nhiều loại hình mới, với mục tiêu giảm giá bán để thu hút khách hàng.