Nâng cao giá trị nông sản

Dù định lượng hay định tính, đều có thể dễ dàng khẳng định được, đây đang là "thời kỳ vàng" của nông sản Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00

Không chỉ các sản phẩm tươi, mà ngay cả những nông sản chế biến, cũng có chất lượng cao, ngon miệng, tạo thành một hệ sinh thái sản phẩm mạnh mẽ. Tại các kênh bán lẻ từ chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, đều thấy nông sản trong nước chiếm ưu thế.

Một trong những yếu tố quan trọng để nông sản nội địa phát triển mạnh mẽ chính là ngon miệng, dù các đơn vị sản xuất không có quá nhiều lợi thế về quy mô hay thương hiệu. Chẳng hạn, vài tháng qua, nhãn hiệu xoài sấy CamLamOnline tung ra thị trường sản phẩm gây sốt là xoài ngâm sấy muối ớt. Sản phẩm này bắt nguồn từ món ăn đường phố là xoài xanh, ngâm với nước đường, chấm với muối ớt, ăn rất đậm đà. Anh Đặng Thế Truyền, người sáng lập CamLamOnline cho biết, món này vừa có tính “di động”, lại bảo đảm hương vị, bảo quản được lâu vì đã sấy...

Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) được xem là thủ phủ sầu riêng của khu vực Tây Nguyên, nhưng ở đây còn có một tệp các loại nông sản đặc sắc, từ cà-phê, cho đến hạt macca, yến sào. Vấn đề được đặt ra là chất lượng nông sản đã được khẳng định, tiêu thụ trong nước tốt, vậy làm thế nào để nâng tầm thương hiệu nông sản lên tầm vóc cao hơn, tạo ra doanh số lớn? Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phân tích: Cần nhìn nhận sự phát triển của nông sản hiện nay gắn với nhiều yếu tố tương hỗ, chẳng hạn các lễ hội. Như Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sắp diễn ra vào tháng 3 tới đây, ngoài việc phục vụ nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk, khách du lịch trong và ngoài nước, chúng tôi còn hướng đến sự kết nối giữa những người trong ngành cà-phê quốc tế nói riêng và nông sản nói chung. Từ các hoạt động như vậy cũng có thể tìm hiểu thêm cả về sầu riêng Krông Pắc. Và khi hướng đến sự kết nối cho các thương nhân, doanh nhân thì tất nhiên cũng phải có những hoạt động, chương trình phù hợp để khuyến khích các thương vụ có thể diễn ra ngay trong lễ hội.

Như vậy, có thể nói, sự phát triển của nông sản có lẽ không chỉ gói gọn trong ngành nông nghiệp hay thương mại mà cần đặt một chiến lược tổng thể, đa ngành, có cả văn hóa, du lịch. Chính khách hàng khi thưởng thức một nông sản ngon, cũng sẽ hướng đến việc tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm, thông qua lịch sử, các câu chuyện... liên quan. Cần những giải pháp kết nối, kể chuyện hay, hiệu quả để tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị nông sản của Việt Nam.