Khó chơi như... ứng dụng

Các ứng dụng gọi đồ ăn (foodapp) có thể hào nhoáng, sôi động, giá hấp dẫn với khách hàng, nhưng lại không “dễ chơi” với các quán ăn, nhà hàng (gọi chung là nhà bán) bởi một nguyên nhân đơn giản: phí.
0:00 / 0:00
0:00

Tính sơ sơ, nhà bán sẽ phải trả các khoản bao gồm chiết khấu, thuế, quảng cáo cho các ứng dụng, dao động từ 20-45%. Trong một số bài phân tích trên Thời Nay cũng đã chỉ ra, lợi nhuận của ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) hiện nay dao động trên dưới 20%, tức là mức lợi nhuận chỉ xoay quanh “cận dưới” của tỷ lệ phí trả cho ứng dụng và đồng nghĩa với việc nếu không quản lý chi phí cũng như doanh thu thì hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái càng bán, càng lỗ.

Thực tế việc càng bán, càng lỗ là có với nhiều nhà bán vì giai đoạn đầu mới có mặt trên thị trường sẽ phải liên tục chạy quảng cáo, giảm giá và xem như đây là những khoản đầu tư. Mặt phải ở đây là thay vì tự quảng cáo bằng nhiều cách khác nhau như trên mạng xã hội, nhờ KOL... thì hiện nay có thể đăng ký với foodapp để được xuất hiện trên các vị trí đẹp. Nhưng ban đầu ra mắt ấn tượng không đồng nghĩa với thành công về sau. Trước hết, hãy nói về “công nghệ vận hành”, điều tưởng chừng như xa xỉ với các quán ăn hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh, quy mô nhỏ và vừa nhưng thực tế bây giờ phải có nếu không muốn tụt lại phía sau. Một trong những điểm quan trọng nhất của công nghệ ở đây chính là phải có cách phục vụ, tương tác với người giao hàng (shipper) đến lấy đồ ăn sao cho tối ưu. Chẳng hạn như không để shipper phải chờ lâu, dẫn đến tình trạng dồn toa, rồi giao tiếp với shipper như thế nào. Nói đến đây sẽ thấy cuộc chơi foodapp đã khiến cho nhà bán không chỉ có việc phục vụ mỗi khách hàng mà còn phải phục vụ cả shipper. Nhưng “lo” cho shipper xong cũng chưa ổn, vì còn phải lo cả việc tương tác với khách hàng đến dùng bữa trực tiếp. Đã có nhiều tranh luận, thậm chí tranh cãi về những hàng ăn có rất nhiều shipper chen chúc, rồi với khách hàng, nên được xử lý như thế nào để hài hòa lợi ích. Đau đầu nhất trong việc này chính là… chủ quán.

Còn nếu nhà bán không thể có giải pháp tối ưu trên foodapp thì cũng chỉ nên xem đây là một kênh bán hàng kèm với việc bán trực tiếp. Nhưng bán trực tiếp cho khách lúc này, cũng phải đối mặt với những rủi ro như giá bán không được tăng quá cao, sức mua giảm… Nói tóm lại, khi khách hàng đưa việc gọi đồ ăn qua foodapp thành một thói quen thì đồng nghĩa các ứng dụng đã trở thành “tay chơi lớn” trên thị trường. Tất nhiên ứng dụng sẽ tìm cách tối ưu hóa lợi ích và nhà bán sẽ phải tìm được cách chung sống nếu muốn bảo đảm quyền lợi. Tóm lại, bán đồ ăn trên mạng, nay đã không còn dễ nữa.