“Giai đoạn 2” của phố ẩm thực

Tuần rồi, những thông tin liên quan đến phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) đã được công bố rộng rãi trên báo chí với những con số rất đáng chú ý như người dân đã góp gần 3 tỷ đồng để sửa vỉa hè, số điểm kinh doanh ẩm thực tăng hơn 10%, doanh thu các cửa hàng tăng 20-30%...
0:00 / 0:00
0:00

Qua những thông tin từ phía quận Phú Nhuận đã gợi mở về chiến lược xây dựng phố ẩm thực và tất cả đều phải xoay quanh yếu tố: hiệu quả. Cần phải nói, trong khoảng 15 năm mang cái tên “San Fran Xích Long” theo cách gọi của cư dân mạng, không phải lúc nào khu Phan Xích Long cũng duy trì sự đông đúc cao nhất, cũng có những lúc, lưu lượng khách tại đây bị giảm, nhưng sự nỗ lực mạnh mẽ từ phía chính quyền và các cơ sở kinh doanh đã luôn giúp con phố này giữ được phong độ theo thời gian.

Anh Lâm Vinh, chủ quán phở Gộp, nằm trên đường Nhiêu Tứ, thuộc phường 7 quận Phú Nhuận, cũng có thể xem thuộc khu vực phố ẩm thực Phan Xích Long, chia sẻ: “Khi quyết định đầu tư hơn nửa tỷ đồng cho quán phở, tôi phải cân nhắc rất kỹ yếu tố địa điểm. Làm kinh doanh ăn uống hiện nay phải rất kỹ lưỡng ngay từ đầu, bắt buộc trong tháng đầu tiên phải hòa vốn và tháng thứ hai phải có lãi nhẹ và tiến đến 6-9 tháng là thu hồi vốn ban đầu. Làm hàng ăn hiện nay không thể “túc tắc” được nữa, mà muốn như vậy, quán ăn phải ở địa điểm có lưu lượng khách đông, nên cuối cùng tôi chọn địa điểm tại khu vực này. Những kết quả trong gần một tháng đầu tiên khai trương đúng như tôi dự liệu khi lưu lượng người qua lại cùng món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng đã cho doanh thu khả quan.

Có một thực tế là con phố ẩm thực Phan Xích Long giống như trục xương sống và điểm dễ thấy ở đây là các hàng quán vỉa hè, hàng rong không nhiều, thay vào đó là những hàng quán hiện đại, gọn ghẽ. Các phân khúc món ăn, thức uống sẽ được phân chia vào các con đường lân cận với Phan Xích Long, điều này tạo ra những cụm hàng quán riêng biệt và tất nhiên việc kiểm tra, giám sát, định hướng từ cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn. Ngành ẩm thực vốn chú trọng doanh thu, tăng trưởng nên việc phát triển ẩm thực cũng phải theo tiêu chí này, càng nhiều hàng quán thì cơ hội kéo khách đến đông hơn, tất nhiên thu ngân sách trên địa bàn cũng cao hơn.

Thách thức về mặt dài hạn chính là khả năng dự báo của cơ quan quản lý, chẳng hạn như con đường nào, thậm chí con hẻm nào có khả năng tiếp tục thu hút thêm nhiều hàng quán để từ đó có các giải pháp định hướng, chỉnh trang đô thị để vừa thu hút người kinh doanh, vừa thu hút khách. Một trong những giải pháp quan trọng chính là việc có được những con số cụ thể từ những con số tổng quát như quận Phú Nhuận đã công bố. Còn chi tiết hơn nữa, chẳng hạn, nếu có thêm số liệu như doanh thu của từng phân ngành ẩm thực, tăng trưởng theo quý, theo năm, tại khu vực phố ẩm thực, có thể những chủ quán, những nhà đầu tư ẩm thực sẽ có cơ sở để đánh giá, tự tin đến mở hàng quán nhiều hơn.

Có một thực tế là nếu xem việc phát triển “phố ẩm thực” chỉ là định danh, gắn biển hiệu, cổng chào hay công bố mà không có chiến lược dài hạn thì lực đẩy trong tương lai sẽ không rõ ràng. Bởi lẽ, với những con phố đông đúc hàng ăn uống, có hay không có chữ “phố ẩm thực” thì hoạt động cũng sẽ không khác biệt là mấy. Nhưng nếu chính quyền đã vào cuộc, sẽ cần những chiến lược lâu dài và những cách làm thiết thực.