Quy mô nhỏ và manh mún
Là một người thích gặp gỡ bạn bè tại những nơi đông đúc vào cuối tuần, anh Quang Anh (Long Biên) luôn chọn phố đi bộ Hoàn Kiếm là nơi đến.
Theo anh, đây là điểm đông đúc nhất Hà Nội vào những ngày cuối tuần và cũng là nơi sẽ có những hoạt động thú vị mà những nơi khác thường không có, như nhóm nhạc biểu diễn. Các sự kiện cũng thường xuyên được tổ chức ở đây.
"Mỗi khi có một nhóm nhạc nào đó biểu diễn, mọi người đều cố nán lại để nghe. Có những nhóm biểu diễn tốt, tiếng reo hò khắp phố, thu hút được cả trăm người xem", anh Quang Anh nói.
Thế nhưng, anh cho rằng, những hoạt động ở phố đi bộ gần như tự phát, không phát huy được tính đồng bộ nên hiệu quả không cao. Điều anh không hài lòng nhất là đồ ăn được bán trên phố này.
"Có lần tôi mua lạp sườn nướng đá, thú thật mùi vị rất tệ so với ở ngoài. Hay những gánh hàng rong trên đường, giá thường cao gấp đôi bên ngoài…", anh Quang Anh nhấn mạnh, không chỉ chất lượng hàng hóa, mà sự đa dạng cũng thiếu.
Với những trải nghiệm trên, anh Quang Anh cho hay, nên hiểu rằng, du khách đến đây để ngắm phố phường, chứ hiểu đây là mô hình kinh tế đêm thì chưa hẳn đã đúng.
Quyết định số 1129 năm 2020 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận xét, gần 5 năm triển khai, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các hoạt động kinh tế ban đêm hiện nay còn thiếu sự kết nối giữa các loại hình vui chơi giải trí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, lễ hội và mua sắm…
Một số địa phương đã triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, nhưng các hoạt động này thường mang tính thí điểm, quy mô nhỏ và chưa được tổ chức chuyên nghiệp.
Bộ Công thương cũng thừa nhận, hoạt động kinh tế ban đêm chủ yếu diễn ra ở quy mô nhỏ, thiếu sự kết nối giữa các loại hình vui chơi giải trí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, nghệ thuật và mua sắm, dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.
"Hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các hoạt động kinh tế ban đêm. Các quy định hiện hành còn cứng nhắc về thời gian mở cửa của các cơ sở kinh doanh và cơ chế chính sách thuế, phí không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm và ban ngày", Bộ Công thương đánh giá và chỉ ra nguyên nhân một phần là do hạn chế hạ tầng khi giao thông công cộng vào ban đêm như xe bus, tàu điện còn thiếu và chưa thuận tiện.
Để kinh tế đêm "cất cánh"
Trước thực trạng trên, Bộ Công thương đề xuất các địa phương cần đưa ra quy hoạch cụ thể cho các khu vực có khả năng phát triển kinh tế ban đêm, thực hiện thí điểm tại một số khu vực và đánh giá hiệu quả kinh tế để hoàn thiện mô hình trước khi nhân rộng.
Cùng đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để xây dựng các chương trình nghệ thuật, giải trí, thể thao hấp dẫn, đồng bộ và chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam cho hay, trên thế giới, các thành phố lớn như Bangkok (Thailand), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) hay New York (Mỹ)... đều đã khai thác hiệu quả tiềm năng này, biến các hoạt động về đêm thành điểm nhấn kinh tế và văn hóa.
Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế đêm phát triển chính là kinh tế vỉa hè - nơi gắn liền với sinh hoạt và tiêu dùng của cộng đồng đô thị.
Các mô hình chợ đêm, hàng quán ven đường, không gian đi bộ kết hợp dịch vụ ăn uống, giải trí đều là những thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh tế đêm của nhiều thành phố trên thế giới.
Tuy nhiên tại Việt Nam, kinh tế vỉa hè vẫn còn gặp nhiều hạn chế do chính sách quản lý chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng khai thác tự phát, manh mún và chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam là cần một chiến lược quy hoạch và quản lý kinh tế vỉa hè bài bản, không chỉ để bảo đảm trật tự đô thị mà còn để biến đây thành một phần của hệ sinh thái kinh tế đêm, tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các phố đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực nên được mở rộng và tổ chức bài bản, bảo đảm các yếu tố về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng cháy, chữa cháy…
Kinh tế đêm được chú trọng ở nhiều nước
Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển. Chính phủ các nước phân quyền và khuyến khích chính quyền các thành phố thực hiện chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình.
Tại Vương quốc Anh, đầu năm 2025, Thị trưởng London thành lập một "lực lượng đặc nhiệm chuyên trách", làm nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế đêm tại Thủ đô nước Anh. Nhóm gồm 11 chuyên gia độc lập được thành lập để xem xét "những thách thức và cơ hội" đối với nền kinh tế đêm và tìm cách cải thiện nó.
Dù là quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế ban đêm, với doanh thu giai đoạn đỉnh cao đạt 66 tỷ bảng mỗi năm, tương đương 6% GDP, lại sở hữu tổ chức chuyên trách theo dõi và phát triển kinh tế đêm, Anh vẫn liên tục nghiên cứu chính sách để mở "đường băng" cho ngành kinh tế này cất cánh.
Hay tại New York (Mỹ), gần như mọi dịch vụ đều được mở cơ chế để kinh doanh đêm, từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật đến hoạt động thể thao, các quán bar và ẩm thực... giúp thành phố này mỗi năm thu về 19 tỷ USD.