Tại phiên họp thứ 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2025. Đồng thời, đồng ý bổ sung thêm 11 nhóm đối tượng mới được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Đây không phải là lần đầu Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm tiền thuê đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi doanh nghiệp đang gặp khó vì sức mua suy yếu, chi phí đầu vào tăng cao, nguồn vốn khan hiếm, chính sách lần này mang ý nghĩa như “liều thuốc bổ” kịp thời.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc giảm tiền thuê đất là một phần trong chiến lược tài khóa mở rộng hợp lý, vừa nhằm chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, vừa góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025 như Quốc hội đã đề ra.
“Cú huých” tiếp sức doanh nghiệp
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách giảm tiền thuê đất hằng năm. Tổng số tiền hỗ trợ qua các năm dao động từ gần 3.000 đến 4.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, con số này lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng, minh chứng rõ ràng cho nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong suốt chặng đường phục hồi sau đại dịch.
Đối tượng được hưởng chính sách rất rộng, bao gồm tất cả các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đang sử dụng đất do Nhà nước cho thuê và trả tiền hằng năm. Đặc biệt, chính sách cũng mở rộng cho cả những trường hợp đã hết thời hạn miễn, giảm hoặc đang được hưởng các mức hỗ trợ khác.
Không dừng lại ở việc giảm tiền thuê đất cho năm 2025, Chính phủ cũng đã trình đề xuất bổ sung 11 nhóm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất - theo Điều 157 Luật Đất đai 2024. Danh sách này bao trùm nhiều nhóm yếu thế, cơ sở phục vụ cộng đồng và các lĩnh vực then chốt cần khuyến khích phát triển.
Trong đó có thể kể đến các hộ dân tái định cư vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, các làng chài di dời vì môi trường sống, hợp tác xã thuê đất sản xuất nông nghiệp, các dự án giáo dục - y tế - thể thao xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hay trí tuệ nhân tạo. Đáng chú ý, chính sách này còn hỗ trợ các cơ sở sản xuất sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số hoặc người khuyết tật.
Đánh giá tích cực việc giảm tiền thuê đất, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nối tiếp chuỗi hỗ trợ đã triển khai từ năm 2020, việc giảm thuế đất lần này được đánh giá cao vì tác động trực tiếp đến dòng tiền, giúp giảm áp lực tài chính, gia tăng cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong những năm qua, chính sách giảm tiền thuê đất đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, từ đó tạo cơ hội để họ tái đầu tư, nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ và giảm bớt áp lực tài chính.
“Khi được giảm tiền thuê đất, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cố định. Trong lúc khó khăn như dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ, họ có thể phải ngừng hoạt động, phá sản khiến Nhà nước sẽ mất luôn nguồn thu lâu dài. Ngược lại, nếu được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp trụ lại, phục hồi và sau đó tiếp tục nộp thuế, đóng góp cho ngân sách nhiều năm tới”, ông Mạc Quốc Anh phân tích.
Không chỉ như vậy, chính sách giảm tiền thuê đất, đặc biệt cho nhiều ngành chiến lược như trí tuệ nhân tạo AI, chip bán dẫn, y tế, giáo dục xã hội hóa… có thể giúp cho môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn. Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ mạnh dạn thuê đất để mở rộng nhà xưởng, văn phòng. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.
Là một trong những đơn vị được thụ hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất, đại diện Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi cho biết, đơn vị đã tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại hơn. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Tuy không phải quá lớn, nhưng khi chúng tôi phải tiết giảm mọi hoạt động thì nguồn tiền từ thuê đất sẽ là sự khích lệ, động viên doanh nghiệp. Từ đó gia tăng sản xuất, kinh doanh, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải tiến kỹ thuật”, Phó Tổng Giám đốc Cơ khí Đông Anh Licogi Phạm Viết Long cho biết.
![]() |
Người dân nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Ảnh: NAM HẢI |
Cần kết hợp nhiều giải pháp
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhìn nhận, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm tiền thuê đất năm 2025 có thể giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là khoản “giảm thu ngân sách” này không hề là “mất mát”, mà ngược lại, có thể tạo ra những tác động tích cực mang tính dây chuyền cho nền kinh tế.
“Khi doanh nghiệp được tiếp sức, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển trở lại, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Khi tiêu dùng tăng, nguồn thu từ thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và nhiều loại thuế khác sẽ tăng trưởng mạnh. Đó chính là quá trình nuôi dưỡng nguồn thu quốc gia một cách bền vững”, bà Cúc phân tích.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property) lại cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý nếu chính sách này được thực thi. Chẳng hạn như hiện nay nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, đang gặp khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất.
Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương đã điều chỉnh bảng giá đất với mức tăng đáng kể, thậm chí có nơi tăng tới 300%, dẫn đến mức tăng đột biến trong đơn giá thuê đất. Điều này không chỉ làm thay đổi kế hoạch tài chính của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận của họ.
Vì vậy, ông Toản cho rằng việc giảm tiền thuê đất là một biện pháp hợp lý đối với các địa phương có mức điều chỉnh giá đất vừa phải. Tuy nhiên, đối với những nơi có mức tăng giá đất quá cao, mức giảm 30% vẫn chưa đủ để giảm bớt áp lực tài chính mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Ngoài ra, sự chênh lệch trong cách tính giá thuê đất giữa các địa phương cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Bởi lẽ, một số tỉnh liền kề nhau, nhưng giá thuê đất lại có sự chênh lệch lên đến 30% - 40%, gây ra sự bất hợp lý trong môi trường kinh doanh và tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, nhiều doanh nghiệp buộc phải thuê đất của Nhà nước tại các khu công nghiệp để xây dựng nhà xưởng, tuy nhiên, giá thuê đất liên tục tăng, khiến chi phí vận hành ngày càng trở nên nặng nề. Trước đây, bảng giá đất chỉ được điều chỉnh sau mỗi chu kỳ 5 năm, nhưng theo Luật Đất đai mới, việc điều chỉnh sẽ được thực hiện hằng năm để phản ánh sát hơn với giá thị trường, điều này có thể dẫn đến việc tiền thuê đất tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh vấn đề giá đất, việc tiếp cận vốn cũng là “nút thắt” lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, dù chính sách giảm tiền thuê đất đã được áp dụng trong nhiều năm nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng “cầm cự”. Nguyên nhân chính là các chính sách này chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tạm thời mà không đi kèm với những giải pháp giúp cải thiện năng lực cạnh tranh hay khả năng thích ứng lâu dài.
Tại các diễn đàn, hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về các khó khăn hiện tại, trong đó vấn đề về nguồn vốn là một trong những trở ngại lớn nhất. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu leo thang, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thử thách, việc giảm chi phí thuê đất chưa thể giải quyết được hết các vấn đề.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên triển khai thêm các gói hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như ưu đãi lãi suất hoặc tín dụng dài hạn, kéo dài thời gian áp dụng chính sách hoặc tăng mức hỗ trợ cho những đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xác định đúng đối tượng thụ hưởng để bảo đảm tính công bằng. Việc kết hợp một cách đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại mà còn góp phần ổn định môi trường đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.