Bước tiến trong công nghệ giám định hài cốt liệt sĩ

Hiện tại cả nước có khoảng 300 nghìn mộ liệt sĩ thiếu thông tin, khoảng 180 nghìn mộ cần được quy tập, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 20 nghìn hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính bằng phương pháp phân tích ADN.

Giám định viên của Trung tâm Giám định ADN phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ. (Ảnh HOÀNG GIANG)
Giám định viên của Trung tâm Giám định ADN phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ. (Ảnh HOÀNG GIANG)

Để hoạt động giám định hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả cao, các cơ quan, ban, ngành cần chủ động phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời ứng dụng những công nghệ hiện đại vào quy trình giám định.

Trong không khí tháng 7 tri ân, chúng tôi đến Trung tâm Giám định ADN, Viện Sinh học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nơi các cán bộ đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh âm thầm mà thiêng liêng là giám định ADN, xác định tên cho những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Giám định viên Đỗ Hoàng Phong đã gắn bó gần ba năm với công việc giám định hài cốt liệt sĩ chia sẻ: “Là thế hệ trẻ, được làm việc ở trung tâm, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất vinh dự và tự hào bởi những công việc chuyên môn hằng ngày đã, đang và sẽ mang lại hy vọng cho các gia đình, thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Quá trình “tìm lại tên” cho các Anh hùng, liệt sĩ rất khó khăn, phức tạp, thậm chí có mẫu phải làm đi, làm lại rất nhiều lần, nhưng chỉ cần có một tia hy vọng thì chúng tôi vẫn nỗ lực đến cùng...”.

Để xác định danh tính các liệt sĩ, anh Phong và các cán bộ trung tâm phải trải qua rất nhiều quy trình, như: Lấy mẫu xương, rửa, cắt, nghiền cho đến phối hợp hóa chất, khuếch đại mẫu trên máy..., toàn bộ các quy trình phải bảo đảm không được nhiễm ADN lạ, gây ảnh hưởng đến kết quả giám định.

Phần lớn các mẫu hài cốt đều phân hủy nặng do thời gian chôn cất từ 50 năm trở lên, đã bị tác động bởi các vi sinh vật trong môi trường tự nhiên. Do vậy, trong số những mẫu hài cốt thu thập có khoảng 30% số mẫu không cho ra kết quả sau khi giám định.

Quá trình “tìm lại tên” cho các Anh hùng, liệt sĩ rất khó khăn, phức tạp, thậm chí có mẫu phải làm đi, làm lại rất nhiều lần, nhưng chỉ cần có một tia hy vọng thì chúng tôi vẫn nỗ lực đến cùng...”.

Giám định viên Đỗ Hoàng Phong

Theo Tiến sĩ Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN, từ tháng 7/2019, trung tâm chính thức khai trương, đi vào hoạt động và là một trong ba đơn vị giám định ADN đầu ngành của cả nước tham gia Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm hiện có 18 người, gồm: Một phó giáo sư, ba tiến sĩ, tám thạc sĩ, một nghiên cứu sinh và còn lại là các cử nhân chuyên ngành công nghệ sinh học và sinh học... Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã phát triển được 13 quy trình, thực hiện 800 đợt tách chiết ADN từ các mẫu xương lâu năm, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ.

Tỷ lệ tách thành công dựa trên công nghệ phân tích ADN ty thể đạt 22% (khoảng 1.600 mẫu), góp phần trả lại danh tính nhiều liệt sĩ, giải mã được nhiều hệ gien của hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ. Hiện tại trung tâm đang lưu trữ khoảng 7.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và công suất giám định là 4.000 mẫu/năm.

Với mục tiêu giúp Việt Nam nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh, đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)... đã phối hợp Trung tâm Giám định ADN triển khai, thực hiện dự án “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao”.

Mục đích dự án nhằm phát triển một hệ thống toàn diện để đối khớp ADN từ hài cốt bị phân hủy nặng với ADN từ các gia đình đang tìm kiếm người thân. Từ đó, tối ưu các công nghệ phân tích ADN mới, bao gồm: Công nghệ tách chiết ADN nhân, công nghệ giải trình tự gien thế hệ mới phát hiện và phân tích các chỉ thị SNP (đa hình đơn nucleotide).

Trước đó, ICMP đã phát triển năm phương pháp tách chiết DNA (kỹ thuật cơ bản trong phòng thí nghiệm phân tử) từ hài cốt Việt Nam, nhưng lựa chọn ra hai phương pháp (công nghệ) nêu trên phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Việc phối hợp triển khai, thực hiện dự án nhằm cụ thể hóa các nội dung của Bản ghi nhớ về việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ... Với mong muốn thu được những kết quả thành công ban đầu, quá trình triển khai thực hiện dự án, 100 mẫu hài cốt được lựa chọn để thực hiện tách chiết ADN.

Quá trình nghiên cứu, tách chiết các mẫu để thu ADN nhân đều được các chuyên gia, nhà khoa học hai nước phối hợp thực hiện tại cả Hà Lan và Việt Nam. So sánh các kết quả giám định cho thấy, các mẫu ADN này và các mẫu do họ hàng xa của những liệt sĩ hiến tặng là trùng khớp.

“Giám định mẫu hài cốt liệt sĩ bằng công nghệ phân tích ADN ty thể phụ thuộc vào các mẫu họ hàng dòng mẹ của liệt sĩ khớp nối thì số mẫu đối khớp thành công đạt 22/100 mẫu. Tuy nhiên, khi áp dụng hai công nghệ mới này vào giám định cho phép khớp nối các mẫu không giới hạn dòng mẹ, đồng thời chấp nhận các mẫu họ hàng xa của cả dòng bố và dòng mẹ, số mẫu đối khớp thành công đạt 70/100 mẫu.

Như vậy, ưu điểm vượt trội của các công nghệ mới này nâng tỷ lệ thành công các mẫu hài cốt được định danh sau giám định ADN cao gấp hơn 3 lần so với phương pháp cũ...”, Tiến sĩ Trần Trung Thành chia sẻ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, viện luôn xác định đây không chỉ là một dự án khoa học, mà còn là một sứ mệnh nhân đạo cao cả. Từ đó, các nhà khoa học, chuyên gia của Viện Sinh học và các tổ chức USAID, ICMP... đã nỗ lực phát triển, tối ưu hóa và chuyển giao công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ trên nền kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (NGS).

Tỷ lệ tách chiết thành công ADN từ các mẫu hài cốt tăng lên minh chứng cho bước tiến quan trọng về công nghệ. Việc giải trình tự gien và phân tích chỉ thị SNP đã mở ra khả năng khớp nối với thân nhân có quan hệ huyết thống xa đến 4 hoặc 5 thế hệ, điều chưa từng đạt được trước đây. Đây cũng là lần đầu các chuyên gia chứng minh được tính khả thi khi áp dụng công nghệ tiên tiến với nền tảng kỹ thuật SNP-NGS vào công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ ở Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Trung tâm Giám định ADN, chúng tôi được thông tin đầy xúc động về hai trường hợp liệt sĩ vừa được xác định danh tính thành công nhờ ứng dụng các công nghệ mới. Đây không chỉ là niềm vui của tập thể cán bộ trung tâm mà còn là niềm vui, niềm hy vọng của rất nhiều gia đình, thân nhân các liệt sĩ trên cả nước đang chờ đợi “ngày trở về” của các anh.

Có thể bạn quan tâm

back to top