Bước tiến vì nền giáo dục công bằng, nhân văn

Ngay sau khi Bộ Chính trị có Quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập từ năm học mới 2025-2026, người dân cả nước hết sức phấn khởi. Đây là một quyết sách quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của mọi trẻ em, giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, góp phần phát triển bền vững xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học Tiếng Việt của học sinh Trường dân tộc nội trú Tân Tiến (Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ảnh: KHIẾU MINH
Giờ học Tiếng Việt của học sinh Trường dân tộc nội trú Tân Tiến (Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ảnh: KHIẾU MINH

Niềm vui đến từng gia đình

Theo Quyết định của Bộ Chính trị ngày 28/2, sẽ miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước. Học sinh các trường dân lập, tư thục sẽ được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định của pháp luật; phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 9/2025 trở đi).

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT trong các trường công lập từ năm học 2025-2026 của Bộ Chính trị cũng nhằm thực hiện nội dung Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó có việc thực hiện lộ trình miễn học phí cho học sinh các cấp học từ mầm non đến THCS và THPT.

Hiện nay, tùy theo từng địa phương, từng cấp học, học phí công lập đang ở mức 50 nghìn - 650 nghìn đồng/tháng. Với đại bộ phận gia đình có 2 hoặc 3 con cùng đi học, đây là áp lực lớn. Ngay sau khi thông tin được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhiều người dân đã bày tỏ niềm vui mừng trước quyết định đầy tính nhân văn này. Đây cũng là động lực lớn để các nhà trường, gia đình thêm điều kiện đầu tư, chăm lo cho việc học tập của học sinh.

Trường tiểu học và THCS Phúc Khánh 1 nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai) vì diện tích đất nông nghiệp ít, địa hình núi cao hiểm trở. Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Vinh, sau cơn bão số 3 năm vừa qua, thêm nhiều gia đình học sinh lâm vào cảnh khó khăn. Hiện cả trường có 13 em học sinh mồ côi cha mẹ. Trong số đó, nhiều em vì nhà cửa không bị ảnh hưởng của bão, lũ nên chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ, cuộc sống rất khó khăn. Như hai chị em Hoàng Thị Ánh (lớp 9) và Hoàng Thị Gái (lớp 6), nhà trường đã phải thường xuyên vận động đến lớp và xin hỗ trợ học phí từ nhiều nguồn. “Nay có chính sách miễn học phí, việc đi học không còn là ước mơ xa vời của hai chị em nữa. Thời gian tới, chúng tôi tập trung thực hiện hỗ trợ bán trú cho 92/320 học sinh được ở lại trường vì đường sá đi lại khó khăn. Bố mẹ các em sẽ yên tâm việc nương rẫy, còn các em yên tâm học tập. Chính sách này thật sự giúp các trường vùng sâu, vùng xa duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học, tạo điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng học sinh!”, thầy Phạm Đức Vinh chia sẻ.

Trước thông tin miễn học phí, nhiều công nhân, người lao động có con học tại các thành phố lớn bày tỏ sự vui mừng vì phần nào bớt đi gánh nặng kinh tế. Chị Nguyễn Thu H. (32 tuổi), công nhân ở nhà trọ tại xã Nguyên Khê, thị trấn Đông Anh, ngoại thành Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi có hai con nhỏ đang đi học, nay được miễn học phí, gia đình tôi đã tiết kiệm được một khoản. Từ năm ngoái tới nay, công việc của hai vợ chồng (cùng làm việc ở Khu công nghiệp Đông Anh) đều không ổn định, chỉ trông chờ vào tăng ca. Nay trong bảng chi tiêu của gia đình, ngoài các khoản: Thuê trọ, điện nước, tiền ăn, sinh hoạt phí… thì học phí của con đã được xóa!”, chị H. cười vui. Trú tại con ngõ nhỏ trên phố Trần Cung, quận Cầu Giấy (Hà Nội), anh Nguyễn Văn B. (40 tuổi) làm nghề xe ôm quanh khu vực Bệnh viện E, rất vui mừng khi từ năm học mới này, cậu con trai duy nhất của anh đang học lớp 8 tại Trường THCS Nghĩa Tân sẽ được miễn học phí hoàn toàn. “Mẹ cháu mất sớm, còn tôi bị tai nạn lao động nên xin nghỉ chế độ. Có thời gian bệnh tật, thu nhập không ổn định, cứ đầu năm học của con là phải xoay xở để có tiền đóng học phí. Nay quá mừng cho những người lao động nghèo, lao động tự do như tôi!”.

Mong mỏi của người dân cũng là mục tiêu nhiều năm qua của Đảng và Nhà nước, nhưng khó nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Với khoảng 23 triệu học sinh hiện nay, Nhà nước cần bù ngân sách khoảng 30 nghìn tỷ đồng tiền học phí. Chỉ đến lúc này, khi nguồn lực được cân đối trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết THPT công lập trên cả nước.

Xu hướng phát triển bền vững

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Quyết sách này của Bộ Chính trị và Chính phủ có tác động lớn, không chỉ đối với ngành giáo dục mà đối với toàn xã hội. Không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho các phụ huynh trong việc chi tiêu cho giáo dục, mà nó còn tạo ra sự công bằng trong giáo dục, tạo thuận lợi cho việc phổ cập giáo dục. Nó là điều kiện để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện những đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ông Bùi Mạnh Khoa, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) ghi nhận: “Nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố con người luôn được đánh giá là khâu đột phá chiến lược quan trọng. Việc miễn phí cho học sinh phổ thông công lập không chỉ là một chính sách giáo dục mà còn là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển xã hội bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em trên cả nước. Đồng thời cũng được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, nơi giáo dục phổ thông miễn phí được coi là nền tảng để phát triển bền vững”.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đóng góp: “Là người làm giáo dục dân lập lâu năm, tôi tán thành với chính sách này. Nó sẽ là động lực để chúng ta tiến tới phổ cập giáo dục tới bậc trung học. Chính sách cũng thể hiện sự công bằng trong phát triển giáo dục ở cả hệ thống dân lập và công lập. Qua đó, khuyến khích các trường dân lập nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Đặc biệt ở khía cạnh xã hội, hiện nay, khi mức sinh đang giảm mạnh, nguy cơ già hóa dân số thì chính sách miễn, giảm học phí về lâu dài cũng sẽ tác động tích cực đến chính sách sinh đẻ của Việt Nam, vì nhiều gia đình sẽ giảm bớt áp lực chi cho giáo dục!”.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển xã hội bền vững, việc thực hiện chính sách miễn học phí cần thực hiện thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện nay, tại các thành phố lớn, việc thiếu quỹ đất xây trường công lập đã tạo sức ép quá tải với các nhà trường. Đơn cử, tại Thủ đô Hà Nội mỗi năm lại tăng thêm từ 40-50 nghìn học sinh, đòi hỏi cần phải xây mới từ 30-40 trường học, kể cả trường công lập và dân lập. Theo thống kê mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, thành phố còn thiếu 49 trường.

Anh Hoàng Văn Linh, phụ huynh có con đang học lớp 9 Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Lý do khiến kỳ thi vào lớp 10 công lập rất cạnh tranh và áp lực là do thiếu trường học. Phần lớn những gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đều mong muốn con vào học công lập vì mức học phí thấp. Nay, các trường công lập được miễn hoàn toàn học phí khiến phụ huynh e ngại tính cạnh tranh trong thi cử sẽ cao hơn. Do vậy, trên cơ sở chính sách miễn học phí, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng nhiều trường công lập hơn nữa để học sinh được thụ hưởng chính sách trọn vẹn”.

Bên cạnh niềm vui miễn học phí của con em mình ngay trong năm học mới, chị Lê Mai Linh, phụ huynh có hai con đang học phổ thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói: “Một năm học, phụ huynh vẫn phải đóng góp nhiều khoản: Quỹ ban phụ huynh, tiền bán trú, mua sách giáo khoa, đồng phục, cơ sở vật chất, hoạt động trải nghiệm… và học phí chỉ là một phần trong tổng chi phí nuôi con đi học. Nếu không phải đóng góp các chi phí này thì sẽ thật sự giảm bớt gánh nặng cho các gia đình”.

Một giáo viên thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (quận Đống Đa, Hà Nội) lại băn khoăn: “Chúng ta đang thúc đẩy việc phân luồng học sinh sau THCS. Việc miễn học phí đối với học sinh phổ thông, có chính sách cấp bù cho hệ thống dân lập nhưng lại chưa miễn phí đối với học sinh theo học các trường nghề, giáo dục thường xuyên có thể ảnh hưởng tới định hướng này!”.

Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách miễn học phí sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bảo đảm phổ cập, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn trong giáo dục và đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.