Từ truyền thống thâm canh
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt Nguyễn Văn Trường cho biết: Nhiều năm nay, cây cà chua trở thành loại cây trồng chủ lực, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho nhân dân địa phương. Do trình độ thâm canh cao cho nên năng suất bình quân mỗi sào cà chua ở Thượng Đạt thường đạt xấp xỉ hai tấn/sào, mang lại lợi nhuận gấp 7-8 lần so với cấy lúa. Tuy vậy, những năm trước diện tích cà chua phần lớn tập trung ở vụ đông, năng suất cao nhưng giá rẻ; cà chua trái vụ được giá, nhưng trồng vào dịp xuân hè thời tiết không thích hợp, cà chua dễ mắc các bệnh nguy hiểm như héo xanh do vi khuẩn, héo vàng do nấm, lở cổ rễ, thối rễ do ngập úng.
Năm 2007, một số hộ dân ở Thượng Đạt, đi đầu là ông Đỗ Văn Khi, ở thôn Đông Giàng, cất công vào Đà Lạt tìm hiểu và đưa cây cà chua ghép trên gốc cây cà tím về trồng tại địa phương. Kết quả cho thấy cây cà chua ghép sinh trưởng tốt, quả đẹp, năng suất cao, thời vụ kéo dài, chịu được úng và kháng nhiều loại bệnh thường gặp trên các giống cà chua. Nhận thấy tiềm năng của cây cà chua ghép trên gốc cà tím có nhiều thế mạnh hơn hẳn các loại cà chua khác, ông Khi cùng nhiều người dân Thượng Đạt đã thuê thêm ruộng đất và "đặt hàng" Viện Nghiên cứu rau quả để lấy giống cây cà chua ghép về trồng trái vụ. Nông dân Thượng Đạt đã từng bước mở rộng, thay thế các giống cà chua truyền thống bằng cây cà chua ghép trên gốc cà tím. Nhưng do không chủ động được nguồn giống, mô hình trồng cà chua ghép ở Thượng Đạt chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế bởi chi phí nhập cây giống khá tốn kém, phải vận chuyển từ xa về cho nên tỷ lệ cây sống không cao, người dân cũng chưa thật sự chủ động về thời vụ gieo trồng nên số hộ trồng cà chua ghép chưa nhiều.
Đến hiệu quả của một dự án
Năm 2013, Phòng Kinh tế TP Hải Dương phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức thực hiện Dự án "Nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím trong điều kiện trái vụ" với quy mô 12 ha tại xã Thượng Đạt. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cà chua ghép trên gốc cà tím theo quy mô hộ gia đình ở TP Hải Dương.
Ông Đỗ Văn Vàng, người nhiều năm trồng cà chua ghép cho biết: Nhờ có dự án, nhiều hộ trồng cà chua đã chủ động được cây giống, giúp giảm chi phí về giống hơn triệu đồng mỗi sào. Cây giống ghép tại địa phương có khả năng kháng bệnh, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt tốt hơn, tốc độ sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch quả sớm hơn một tuần so với cây giống cùng loại nhập về từ Mộc Châu. Đặc biệt, khác với các giống cà chua thường chỉ cho thu hoạch trong khoảng thời gian ngắn, giống cà chua ghép cho thu hoạch trong thời gian rất dài, nếu thâm canh tốt năng suất có thể đạt hơn ba tấn/sào, tương đương 80- 90 tấn/ha. Tính trong khuôn khổ dự án, gia đình ông Vàng trồng bảy sào cà chua ghép, năng suất đạt gần 3,5 tấn/sào, thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ việc trồng cà chua, nhất là cà chua trái vụ, gần đây xã Thượng Đạt đã quy hoạch ba vùng chuyên canh cây cà chua với tổng diện tích 25 ha. Ông Đỗ Văn Thêm, một người trồng cà chua có tiếng ở Thượng Đạt cho biết: Chi phí về giống cà chua ghép trước đây cao hơn so với cà chua thường khoảng sáu lần cho nên nhiều người trồng cà chua ngại tốn kém, nay ông và nhiều người tự ghép thành công, do vậy đã chủ động nguồn giống và giảm chi phí sản xuất. Nhiều người dân trong xã cũng đang muốn chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng cà chua ghép trái vụ để tăng thu nhập. Còn "vua cà chua" Đỗ Văn Khi thì ngoài việc đồng áng đã mua sắm xe tải, thành lập doanh nghiệp, giải quyết "đầu ra" cho sản phẩm cà chua trong xã. Ước tính từ mảng kinh doanh cà chua, vụ vừa qua gia đình ông thu lãi khoảng từ 600 đến 700 triệu đồng.
Theo cán bộ Sở Khoa học Công nghệ Hải Dương: Dự án cà chua ghép trái vụ ở TP Hải Dương là mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác và chất lượng sản phẩm. Mô hình sản xuất cây giống cà chua ghép thành công còn mở ra triển vọng về sự hợp tác của các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để tổ chức nghiên cứu, sản xuất giống cà chua ghép nói riêng và một số giống cây trồng chủ lực nói chung, qua đó thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trong việc quy hoạch, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà chua ghép tại tỉnh Hải Dương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.