Các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng để lan tỏa Nghị quyết 66-NQ/TW

NDO - Chiều 15/5, tại Hà Nội, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị nhằm phối hợp triển khai công tác truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật theo Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
0:00 / 0:00
0:00
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị.

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông về Nghị quyết 66-NQ/TW nhằm triển khai kịp thời, đồng bộ nhiệm vụ truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên, người dân về mục đích, ý nghĩa, bối cảnh, những nhiệm vụ, giải pháp đột phá của Nghị quyết đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Các hoạt động truyền thông cần thông tin kịp thời, ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, chính xác, bám sát tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW cũng như đa dạng, phong phú hình thức thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc cho hay, Nghị quyết 66-NQ/TW là sự kết tinh tập trung tất cả những tư tưởng, quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Trong đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để có thể triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả việc đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật. "Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc lan tỏa thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, dễ tiếp cận tinh thần nội dung của Nghị quyết 66-NQ/TW đến toàn thể nhân dân", ông Lê Vệ Quốc nói.

Theo ông Lê Vệ Quốc, Nghị quyết 66-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng một chuyên mục truyền thông những chính sách, chủ trương lớn về pháp luật nhưng phải đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của truyền thông.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý khẳng định: "Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì soạn thảo, tham mưu Nghị quyết này nên mong muốn được chia sẻ và phối hợp cùng các cơ quan báo chí để sớm đưa Nghị quyết 66-NQ/TW vào cuộc sống".

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan truyền thông đã trao đổi, chia sẻ về cách thức truyền thông hiệu quả; đồng thời mong muốn thời gian tới, các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời, góp phần sớm đưa Nghị quyết 66-NQ/TW đi vào đời sống thực tiễn.