Cần bước “nhảy vọt” cho công nghiệp hỗ trợ

Việt Nam hiện đang ở thời điểm cần phải có bước “nhảy vọt” từ giai đoạn chỉ cung cấp những nguyên vật liệu đơn giản lên một cấp độ cao hơn, nên việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một nhiệm vụ cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp. Ảnh: SONG ANH
Các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp. Ảnh: SONG ANH

Mặc dù các doanh nghiệp (DN) nội địa đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng

Theo nhận định của các chuyên gia, trong phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này được thể hiện qua việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong số 1.800 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau khi vào thị trường Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp, nên buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.

Đơn cử, với lĩnh vực cơ khí, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp khoảng 16% GDP. Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ yêu cầu của đối tác.

Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.

Điển hình, kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào ba nhóm: sản xuất linh kiện, phụ tùng như ô-tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may, da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, dù năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Cần chính sách đúng và đủ mạnh

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch cụ thể, hiệu quả và thiết thực.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng nhìn nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và cả nước hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực, nên đòi hỏi cần phải có những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đúng và đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Kiến nghị giải pháp cụ thể, đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn như cơ khí, ô-tô, dệt may, da giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia. Ngoài ra, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn…

Tại Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng 2023, được tổ chức mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực phù hợp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; nâng cao vị trí, vai trò và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; tập trung thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, thúc đẩy khoa học - công nghệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo.