Tọa đàm đặt ra trong bối cảnh thách thức về dân số, nhất là tỷ lệ sinh tại các thành phố lớn ngày càng thấp, nguy cơ "già hóa dân số". Do đó, tọa đàm chính là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý, đoàn thể trao đổi về thực trạng chính sách dân số. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến phụ nữ như duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng Ban Chính sách-Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức về dân số. Mức sinh đang giảm đáng báo động, từ 2,11 con (năm 2021) xuống còn 1,96 con (năm 2023), thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,39 con năm 2024. Ngoài ra, 21 tỉnh, tập trung ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cũng có mức sinh thấp (39%).

Thách thức khi tỷ lệ “già hóa dân số” gia tăng
Tại tọa đàm, bà Trần Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 10 năm qua, mức sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Song giai đoạn hiện nay, mức sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống dưới mức là 1,2 con/phụ nữ. Nguyên nhân chính là đô thị hóa nhanh, áp lực công việc, nhà ở, giáo dục và chi phí nuôi con cao.
Do đó, trong 5 năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp như chiến dịch truyền thông “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” được đẩy mạnh, phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức hội thi tôn vinh gia đình hai con, chiếu thông điệp trên màn hình trung tâm và tổ chức hội nghị, lễ phát động.
Mới đây nhất, năm 2024, Nghị quyết 40 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành với chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi đã ghi nhận có sự phản ánh tích cực từ người dân, những cặp vợ chồng trẻ và cộng đồng xã hội.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, Nhà nước cần chính sách khuyến sinh chủ động, linh hoạt để thoát khỏi “bẫy sinh thấp” kéo dài, khó phục hồi.
![]() |
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ các giải pháp để thoát khỏi “bẫy sinh thấp". |
Các chính sách khuyến sinh cần bao trùm và dài hạn, như trợ cấp theo chu kỳ nuôi con (0-6 tuổi), miễn giảm học phí, hỗ trợ mầm non và trông trẻ tại nhà, hỗ trợ tài chính theo thu nhập để bảo đảm công bằng vùng miền.
Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ dân số và sức khỏe sinh sản, thành phố cần phân bổ ngân sách theo nhu cầu, ưu tiên nhóm yếu thế như công nhân nữ và người nhập cư, đồng thời phát triển các dịch vụ linh hoạt như phòng khám lưu động.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, chính sách và Luật định liên quan cũng cần sửa đổi theo hướng khuyến khích “người thân” hỗ trợ phụ nữ sinh con mà các nước tiên tiến đang vận dụng như tăng thời gian nghỉ cho người chồng lúc vợ nghỉ thai sản; truyền thông bình đẳng giới để phụ nữ có thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi...