Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra

NDO - Cho rằng tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra là vấn đề phổ biến, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần bổ sung nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Quy định rõ hành vi sách nhiễu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 22/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hành vi cố ý không thanh tra và cần kiểm soát, tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra.

Cho ý kiến về quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị quy định rõ hơn về hành vi cố ý không quyết định thanh tra để tránh lạm quyền.

Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát nội bộ, như yêu cầu thủ trưởng cơ quan thanh tra báo cáo định kỳ về trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra, để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.

Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đồng thời, bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ khi không có quy định thanh tra dù có dấu hiệu vi phạm, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước, để tăng trách nhiệm giải trình.

Ông Tạo nêu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong hoạt động thanh tra, như yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có lý do chính đáng; gây cản trở trong hoạt động của đối tượng được thanh tra...

Cùng với đó là quy định việc tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, bảo đảm bảo mật thông tin cho người tố cáo, đại biểu đưa ra ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành luật liên quan chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh để thống nhất với Quy định số 191-QĐ/TƯ nhằm bảo đảm tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.

Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra ảnh 2

Đại biểu Đoàn Thị Lê An phát biểu ý kiến. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đại biểu An, về nguyên tắc hoạt động thanh tra, trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.

Nữ đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa đầy đủ, vì thực tiễn ngoài hoạt động thanh tra còn có các hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng như các cơ quan thẩm quyền.

Vì thế, việc quy định này cần làm rõ để không làm ảnh hưởng hoạt động của đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân khác, đại biểu đoàn Cao Bằng kiến nghị.

Bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của đại biểu An về các nguyên tắc nhằm tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo đưa nội dung này vào phần nguyên tắc của dự thảo luật.

Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, các cơ quan, đơn vị cùng một lúc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này.

Cũng góp ý nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra.

Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra ảnh 4

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư", đại biểu nêu vấn đề.

Trích dẫn Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nêu rõ việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng, đại biểu Hà cho rằng, nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này.

Do đó, nữ đại biểu kiến nghị bổ sung khái niệm “kiểm tra” để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện; đồng thời bổ sung nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; giao Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh giữ vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.

Khi nào tạm dừng thanh tra trực tiếp theo yêu cầu?

Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra ảnh 5

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cuối phiên họp, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo luật đã có những quy định nhằm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với kiểm toán Nhà nước.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 56 quy định rõ: “Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán Nhà nước để xử lý, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán Nhà nước”.

Theo Tổng Thanh tra, dự thảo luật không quy định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành là do đây là các hoạt động có sự khác nhau về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, trong đó có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành, ông Phong nêu rõ.

Cần cơ chế điều phối cụ thể để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra ảnh 6

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về tạm dừng thanh tra, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, dự thảo luật bổ sung quy định tạm dừng thanh tra trong trường hợp: “Tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền”.

Tổng Thanh tra giải thích, quy định trên là dựa trên cơ sở thực tiễn, do lực lượng của cơ quan thanh tra có hạn, trong khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch, vừa phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất.

Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chính phủ, Thủ tướng, còn thanh tra tỉnh là theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Vì vậy, cơ quan thanh tra phải tạm dừng một số cuộc thanh tra đang tiến hành theo kế hoạch để tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Về kinh phí trích cho các cơ quan thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện nay, các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Phong khẳng định, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định hiện hành vì không có vướng mắc, đang thực hiện ổn định, và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định rất cụ thể tỷ lệ trích này.