Đó là nhận định của PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội khi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phóng viên: Thưa đại biểu, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có một điểm mới là định hướng chuyển một số chức năng thanh tra chuyên ngành tại các bộ về Thanh tra Chính phủ. Đại biểu đánh giá như thế nào về chủ trương này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), một trong những thay đổi đáng chú ý là việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra, trong đó có định hướng chuyển một số chức năng quản lý trực tiếp về hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các bộ, bao gồm cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan thanh tra cấp cao hơn nhằm thống nhất đầu mối, tránh chồng chéo và tinh giản biên chế.
Việc này có những thuận lợi rõ rệt. Trước hết, nó giúp tăng tính độc lập và khách quan trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng hoặc vi phạm trong nội bộ ngành. Khi không còn chịu sự chi phối trực tiếp từ bộ chủ quản, thanh tra sẽ có điều kiện hoạt động công minh, minh bạch hơn.

Tránh lạm dụng thanh tra, kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp
Phóng viên: Vậy ngoài yếu tố độc lập, việc thống nhất đầu mối như vậy còn mang lại lợi ích gì?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Ngoài việc tăng tính độc lập, mô hình này cũng giúp tạo điều kiện để chuẩn hóa về nghiệp vụ, phương pháp, kỹ thuật thanh tra, vì các hoạt động thanh tra đều do Thanh tra Chính phủ thống nhất hướng dẫn, đào tạo và kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc thống nhất đầu mối quản lý còn giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa các đoàn thanh tra khác nhau và kiểm toán, tạo thuận lợi cho đối tượng thanh tra, nhất là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch - những lĩnh vực vốn đòi hỏi tính sáng tạo, linh hoạt và không gian hoạt động riêng.
Phóng viên: Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lo ngại về khả năng am hiểu chuyên môn khi tách thanh tra ra khỏi các bộ chuyên ngành. Quan điểm của đại biểu thế nào?
![]() |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Cũng có những bất cập không thể xem nhẹ. Một trong những lo ngại lớn là việc thiếu sự am hiểu sâu sắc về đặc thù chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ có thể gặp khó khăn khi xử lý các vấn đề mang tính chất chuyên sâu như bản quyền văn hóa, di sản, lễ hội truyền thống, hay quản lý nghệ thuật biểu diễn - những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu và kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở.
Ngoài ra, khi tách thanh tra ra khỏi các bộ, có thể phát sinh tình trạng thiếu kết nối thông tin giữa cơ quan thanh tra và bộ quản lý chuyên ngành, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong xử lý, giám sát, cảnh báo các sai phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
Việc điều chuyển tổ chức, cán bộ, hồ sơ, kinh phí giữa bộ và Thanh tra Chính phủ cũng có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác trong giai đoạn đầu chuyển giao.

Bổ sung nhiệm vụ phòng chống lãng phí cho cơ quan thanh tra
Phóng viên: Vậy theo đại biểu, cần làm gì để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Để thực hiện tốt quy định này, cần có một số giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần xác lập cơ chế phối hợp rõ ràng, thường xuyên và chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ chuyên ngành, bảo đảm chia sẻ thông tin, dữ liệu, văn bản hướng dẫn cũng như hỗ trợ nghiệp vụ liên ngành.
Thứ hai, cần xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành tại Thanh tra Chính phủ có chuyên môn sâu, thông qua việc biệt phái, luân chuyển cán bộ từ các bộ sang, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành định kỳ.
Thứ ba, trong quá trình chuyển giao, cần bảo đảm ổn định về tổ chức, nhân sự, chế độ, chính sách, tránh để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kinh nghiệm thực tiễn.
Cuối cùng, cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết, dễ triển khai và có cơ chế giám sát quá trình thực hiện tại các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Tôi tin rằng, việc chuyển thanh tra các bộ về Thanh tra Chính phủ là một chủ trương lớn, góp phần tinh gọn bộ máy và nâng cao tính độc lập của hoạt động thanh tra, nhưng chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được triển khai một cách bài bản, có lộ trình rõ ràng, cơ chế phối hợp hiệu quả và bảo đảm tính chuyên sâu của từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!