Theo Báo cáo của Hội Người cao tuổi Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau rất nhân văn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, quá trình già hóa dân số của nước ta. Việc triển khai nhân rộng mô hình này là chủ trương đúng, hợp lòng dân, được chính quyền địa phương và người dân đồng tình hưởng ứng.
Kết quả cho thấy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Đề án đã đạt và vượt cả 3 chỉ tiêu: Tất cả 63/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc đã thành lập mới Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, đạt 105% chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Đến nay, cả nước đã thành lập được 9.000 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, vượt 200% so với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; huy động được hơn 330.000 thành viên tham gia, vượt 200% so với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, có hơn 231.000 người cao tuổi, vượt 231% chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Về chất lượng, Đề án cũng đạt các chỉ tiêu về cơ cấu thành phần thành viên tham gia: Mỗi Câu lạc bộ có 50 đến 70 thành viên, trong đó 60-70% là người cao tuổi, 60-70% là phụ nữ, 30-40% là người trẻ tuổi. 100% Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đều hình thành quỹ tăng thu nhập và quỹ hoạt động.
Kết quả hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò người cao tuổi; tăng cường tình đoàn kết giữa các thế hệ người cao tuổi và người trẻ, thanh niên, phụ nữ. Đồng thời, tạo sinh kế bền vững và giảm nghèo; nâng cao nhận thức quyền của người cao tuổi; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước...
Đặc biệt, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được xem là một sáng kiến tốt của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, Tổ chức Y tế Thế giới đưa Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau vào Kế hoạch Hành động về già hóa khỏe mạnh khu vực Tây Thái Bình Dương; Cơ quan Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) lựa chọn Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là một trong các điển hình góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững cấp cộng đồng...
![]() |
Hoạt động thường kỳ của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của thôn Hưng Đạo, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai mô hình này tại một số địa phương cũng còn nhiều hạn chế, như: Việc nhân rộng và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác truyền thông về Đề án ở một số nơi chưa mạnh, chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Năng lực quản lý, vận hành Câu lạc bộ của nhiều hội cơ sở còn hạn chế. Một bộ phận Câu lạc bộ thiếu nguồn quỹ tăng thu nhập; tỷ lệ thành viên được vay vốn thấp, chưa đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao...
Tại buổi tổng kết, đại diện các địa phương cũng chia sẻ kết quả hoạt động, các kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình.
Để tiếp tục nhân rộng, duy trì và nâng cao chất lượng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trong giai đoạn mới, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hội sẽ tiếp tục tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo nhân rộng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố chưa có câu lạc bộ, ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Về nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, vận động doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, quỹ cộng đồng hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ. Lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu để huy động nguồn lực cho Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, động viên, tạo cơ chế huy động từ nguồn lực từ Quỹ an sinh xã hội, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi, các nguồn quỹ khác tại địa phương hỗ trợ quỹ tăng thu nhập và kinh phí hoạt động cho Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau...