Cần thúc đẩy công khai thông tin đất đai

Việc công khai thông tin đất đai là vấn đề đã được luật định. Trong những năm qua, rất nhiều địa phương đã có những thay đổi trong việc công bố bảng giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chỉ công khai một phần hoặc công khai muộn, thậm chí không phản hồi yêu cầu thông tin làm hạn chế những cơ hội đầu tư, sự minh bạch thông tin...
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh có tính chất minh hoạ. (Ảnh: TUỆ NGHI)
Ảnh có tính chất minh hoạ. (Ảnh: TUỆ NGHI)

Mới đây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Công ty Phân tích thời gian thực, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ phối hợp đã tiến hành công bố việc công khai thông tin đất đai trên cổng thông tin điện tử của chính quyền các cấp ở 63 tỉnh, thành phố.

Đây là kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu thực hiện từ năm 2021 đến 2024, phạm vi khảo sát tập trung vào ba nhóm nội dung: bảng giá đất cấp tỉnh (giai đoạn 2020- 2024), quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (thời kỳ 2021-2030) và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện (theo từng năm).

Theo đó, có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất; gần 71% tổng số ủy ban nhân dân cấp huyện đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất; hơn 450 hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của huyện.

Các trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân tỉnh hay sở tài nguyên và môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) được thiết kế mạch lạc, dễ sử dụng, hỗ trợ tìm kiếm nhanh chóng. Ở một số nơi, bản đồ quy hoạch còn được tích hợp ngay trên trang, người xem có thể phóng to, thu nhỏ hoặc tìm theo tọa độ, ranh giới để thấy rõ khu vực mình quan tâm. Đây là những minh chứng cho thấy, khi chính quyền địa phương quyết tâm, công việc này không quá khó khăn và mang lại hiệu quả xã hội rất lớn.

Tuy vậy, vẫn có không ít hạn chế đó là tính kịp thời của công khai thông tin. Nhiều trường hợp văn bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt từ lâu nhưng chậm đưa lên trang thông tin của ủy ban nhân dân cấp huyện hay cấp tỉnh, dẫn tới việc người dân và doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hoặc bảo vệ quyền lợi.

Ngay cả khi nội dung đã được đăng tải, có nơi lại rơi vào tình trạng “mất đường dẫn”, hay một số địa phương chỉ đăng tải một phần hồ sơ, như việc thông tin chỉ có quyết định phê duyệt mà thiếu bản đồ hoặc báo cáo thuyết minh, khiến người xem không hiểu chi tiết của quy hoạch...

Bên cạnh đó, một số trang thông tin của cấp tỉnh và cấp huyện khi có thay đổi một số nội dung thì các chuyên mục, bố cục cũng bị sắp xếp lại, khiến người dân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tra cứu thông tin. Ngoài ra, sự bất cập về hạ tầng kỹ thuật, trình độ nhân lực và nguồn lực tài chính vẫn là rào cản.

Theo quy định, việc công bố tài liệu về đất đai thường bao gồm các văn bản, ảnh và bản đồ đều có dung lượng lớn, do vậy nếu không đầu tư hoặc thiếu cán bộ, trang thông tin dễ rơi vào tình trạng quá tải, đường dẫn bị lỗi.

Đáng chú ý, với chủ trương tinh gọn bộ máy và không tổ chức chính quyền cấp huyện, vấn đề công khai thông tin lại càng cấp thiết. Khi còn cấp huyện, hồ sơ về quy hoạch, kế hoạch do chính quyền huyện quản lý. Nhưng khi tiến hành bỏ cấp huyện, chỉ còn hai cấp hành chính thì nhiệm vụ này có thể chuyển lên cho cấp tỉnh hoặc chuyển xuống cho cấp xã.

Do đó, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng cần làm rõ cơ chế tiếp nhận và công bố dữ liệu, cập nhật kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất... Đây là những vấn đề cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm tính thông suốt, tránh gián đoạn trong quá trình chuyển giao.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, với chủ trương chỉ còn chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã, bên cạnh việc điều chỉnh Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng cần nghiên cứu, rà soát tiến hành đồng thời sửa đổi các quy định pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành bảo đảm sự đồng bộ.

Ngoài ra, cần bảo đảm và nâng cấp trang thiết bị, phần mềm cần để thu thập, quản lý, lưu trữ và truy xuất dữ liệu đất đai một cách hiệu quả. Các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh và cấp xã cũng cần cập nhật để thông tin kịp thời và duy trì để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm.

Các địa phương nên có đầu mối duy nhất để công bố hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất, tránh mỗi sở, ngành đăng ở một nơi. Thay vì mỗi đơn vị tự phát triển hệ thống riêng, việc tập trung các dữ liệu vào một cổng thông tin chung sẽ giúp người dân dễ dàng tra cứu mà không phải mất thời gian tìm kiếm qua nhiều nguồn khác nhau.

Để làm được điều này, các nhà quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Trường hợp đường dẫn thay đổi, cần có thông báo chuyển hướng hoặc cập nhật đường dẫn mới, giúp người dân không bị gián đoạn khi tra cứu. Hoàn thiện cơ chế xử phạt hoặc chế tài hành chính với đơn vị cố tình chậm trễ, không phản hồi hoặc gỡ bỏ thông tin không có lý do chính đáng...

Công khai thông tin đất đai không chỉ là một yêu cầu pháp lý, mà còn là trách nhiệm để người dân có thể tiếp cận thông tin về đất đai một cách minh bạch, tránh nguy cơ xảy ra mâu thuẫn. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng tìm hiểu, tạo nên môi trường đầu tư công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển bền vững. Ở khía cạnh khác, việc đẩy mạnh công khai thông tin cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính của đất nước.

Điều 75 Luật Đất đai 2024 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh; ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm công bố công khai đến người dân, người sử dụng đất tại địa bàn xã;
Tài liệu công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm: Văn bản phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; báo cáo thuyết minh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; bản đồ về quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.