Cấp ủy tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong tiên phong thực hiện và tuyên truyền, vận động, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự giác, chủ động tham gia của cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa.
Nông dân xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa.

Nâng cao thu nhập của người dân

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cấp ủy các cấp ở Đồng Tháp đã dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2015, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tiếp tục nâng cao các tiêu chí, trong đó lấy phát triển kinh tế-xã hội là trọng tâm để nâng cao đời sống người dân.

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phát triển bền vững, đồng thời chủ động tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng liên kết. Từ đó đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện rõ rệt mức sống của người dân. Năm 2024, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt hơn 73,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn so yêu cầu đề ra.

Theo đồng chí Lê Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Đông, yếu tố quan trọng để huy động được nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất của người dân, làm cho người dân tự ý thức được việc nâng cao chất lượng cuộc sống, có việc làm, có thu nhập khá.

Việc định hướng phát triển sản xuất phải phù hợp điều kiện kinh tế của người dân và điều kiện của địa phương. Kế đó, cán bộ, đảng viên, công chức của địa phương thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có giải pháp vận động phù hợp. Các chi bộ lãnh đạo các ấp chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất và chịu trách nhiệm trước đảng ủy, ủy ban nhân dân xã nếu để xảy ra vi phạm ở địa bàn mình quản lý.

Tìm được hướng đi, thế mạnh, địa phương nỗ lực hỗ trợ người dân xây dựng các yếu tố khác liên quan trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa như giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương, đường điện, tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm của địa phương. Nhờ đó, việc quy hoạch vùng sản xuất, việc tiếp cận và ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, liên kết sản xuất trong cộng đồng dân cư được tích cực triển khai hiệu quả.

Là xã vùng sâu của huyện Tam Nông, kinh tế của người dân xã Phú Thành A chủ yếu thuần nông, sản xuất lúa. Chính vì thế, khi xây dựng nông thôn mới, địa phương mới có sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Văn Mai, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ðảng ủy đã ra nghị quyết chuyên đề và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân.

Nội dung này được đưa vào trọng tâm trong sinh hoạt của các chi bộ. Đảng ủy vừa coi trọng củng cố chi bộ, bố trí những người có đạo đức, năng lực vào cấp ủy, vừa quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, bảo đảm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dài hơn 100km và hệ thống đê bao khép kín canh tác lúa ba vụ. Xã có ba trạm bơm điện bảo đảm nước tưới tiêu. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, xã thực hiện tốt các mô hình liên kết sản xuất. Xã hiện có ba hợp tác xã, hai hội hợp tác sản xuất và một hội quán thu hút gần 1.000 hộ dân tham gia với tổng diện tích liên kết hơn 1.340 ha, chiếm gần 80% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Bác Phan Văn Luống, người dân ở ấp Phú Điền, xã Phú Thành A chia sẻ: Ðể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chi bộ ấp chú trọng cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của xã thành các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp điều kiện thực tế của mình, đồng thời chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có giải pháp linh hoạt, hiệu quả.

Kiên trì thực hiện phương châm “Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ”, thông qua các cuộc họp ấp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể để tuyên truyền, vận động kết hợp với thực tế. Từ những mô hình cụ thể do các tổ chức chính trị-xã hội phụ trách đã góp phần làm cho người dân nhận thức đúng, nắm rõ các mục tiêu, lợi ích của việc tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới của xã.

Đề cao trách nhiệm của cấp ủy

Thực tế ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, bằng việc xây dựng các mô hình cụ thể và tích cực tạo phong trào thi đua trong cộng đồng dân cư đã giúp nhiều vùng quê “thay da, đổi thịt”, chuyển biến vượt bậc chỉ trong vài năm.

Các cấp ủy cũng chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đầu tư để làm cho kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển nhanh, từng bước hiện đại, cơ giới hóa nông thôn được tăng cường, góp phần giải phóng nhanh năng lực sản xuất.

Nhiều địa phương phát huy tốt vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội trong vận động đoàn viên, hội viên tham gia phát triển các chương trình kinh tế, bảo vệ môi trường, các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Hội nông dân liên kết hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Hội người cao tuổi tổ chức các hoạt động văn hóa, gìn giữ, truyền tải những phong tục truyền thống của làng quê cho thế hệ sau. Đoàn thanh niên khởi xướng các phong trào giúp nhân dân xây dựng những công trình đường quê, hệ thống thoát nước. Hội liên hiệp phụ nữ luôn đi đầu trong việc giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ.

Có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành công việc thường xuyên, không ngừng nghỉ và dễ dàng hơn so với thời điểm mới bắt đầu thực hiện.

Nhiều hình thức liên kết, nhóm, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp được thành lập và hoạt động đạt hiệu quả, như: Mô hình giảm giá thành sản xuất lúa (bằng cách sạ thưa, bón phân vùi vào đất, quản lý dịch hại.

Vụ đông xuân áp dụng hơn 32.400ha và diện tích áp dụng cho vụ hè thu 2024 đạt hơn 101.000ha; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn (hơn 8.505 ha); dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ (có 24 hộ tham gia, tổng diện tích 5,3ha, với sản phẩm rau được các công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, giá bao tiêu cao hơn từ 2 đến 7 lần so sản xuất thông thường)…

Thực tế canh tác cho thấy, nhiều mô hình giúp giảm đáng kể lượng giống, phân bón, năng suất, lợi nhuận bình quân đạt cao hơn. Nhiều nông dân tham gia mô hình đã hiểu rõ giá trị khi áp dụng biện pháp kỹ thuật đồng bộ, tập trung.

Theo đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, để huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp ủy trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, để huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp ủy trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, tăng cường phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác vận động, đề cao trách nhiệm nêu gương, tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ ở cơ sở,… để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Việc huy động các nguồn lực phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là huy động sức dân, nâng cao trách nhiệm và vai trò làm chủ của nhân dân đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh luôn đạt kế hoạch đề ra.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, giảm sự chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt ở các vùng khó khăn là những yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Các tiêu chí cần phù hợp tình hình phát triển chung của xã hội.

Với mục tiêu và nhiệm vụ như vậy, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo hơn nữa từ cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở tỉnh Đồng Tháp trong việc cụ thể hóa các chương trình, đề án, tìm ra hướng đi hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.