“Cha tôi, người ở lại”: Thành công nhờ bản sắc Việt

NDO - Là một trong những bộ phim truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài, “Cha tôi, người ở lại” đã nhận được nhiều lời khen của khán giả, khi ê-kíp làm phim đã thực sự thổi vào phim một bầu không khí hết sức “thuần Việt” và câu chuyện gần gũi, sinh động như đang diễn ra trong một gia đình Việt nào đó.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim “Cha tôi, người ở lại”. (Ảnh: VFC)
Cảnh trong phim “Cha tôi, người ở lại”. (Ảnh: VFC)

“Cha tôi, người ở lại” của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa, là bộ phim mở màn cho khung giờ phim mới trên VTV3 trong tháng 2. Phim được mua bản quyền từ phim gốc “Lấy danh nghĩa người nhà” của Trung Quốc.

Phim kể câu chuyện về một gia đình có tới 2 ông bố cùng nuôi dưỡng 3 đứa con không cùng huyết thống nhưng lại đầy ắp yêu thương, ấm áp. Ngược lại, những người thân ruột thịt của bọn trẻ lại lấy danh nghĩa người nhà để làm tổn thương, gây đau khổ cho chúng. Một gia đình được ghép lại từ những mảnh ghép không may mắn, và liên tục chịu những sóng gió từ bên ngoài, nhưng điều níu giữ và liên kết các thành viên trong gia đình đó chặt chẽ và bền vững nhất vẫn là tình yêu thương, tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim.

“Cha tôi, người ở lại”: Thành công nhờ bản sắc Việt ảnh 1

Ba diễn viên trẻ trong phim.

Từ những tập đầu tiên, phim đã nhận về hiệu ứng tốt từ khán giả với diễn xuất của dàn diễn viên trẻ. Ba gương mặt trẻ Trần Nghĩa, Ngọc Huyền và Thái Vũ đã thể hiện được đúng tinh thần của bộ phim: Thể hiện một màu sắc phim đậm chất Việt, với những giá trị của gia đình Việt, cuộc sống và con người Việt.

Với Thái Vũ, đây là lần đầu tiên nam diễn viên trẻ này “bén duyên” với một vai chính của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC. Với khuôn mặt điển trai kiểu “baby boy”, Thái Vũ tạo ấn tượng sâu sắc về một chàng trai giàu tình cảm và mang theo ít nhiều mặc cảm về thân phận, hoàn cảnh của mình. Việt của Thái Vũ tình cảm, chân thành và hết sức gần gũi với đời thường. Mặc dù chưa có được nhiều kinh nghiệm như hai bạn diễn, nhưng những nỗ lực của Thái Vũ rất đáng ghi nhận khi vai diễn của anh được khán giả yêu mến, đón nhận.

Trần Nghĩa trong vai anh cả Nguyên đã khắc họa được hình ảnh một ông anh cả rất điển hình trong xã hội Việt Nam: ấm áp, bao dung, mặc dù hướng nội nhưng luôn sẵn sàng làm “chiếc ô” xòe rộng che chở cho các em. Trần Nghĩa vốn là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt qua cả phim truyền hình và phim điện ảnh như “Mắt biếc”, “Chúng ta của 8 năm sau”… Vốn liếng diễn xuất qua nhiều thể loại phim đã giúp Trần Nghĩa thể hiện rất tốt những phân đoạn cần chiều sâu tâm lý, chiếm được cảm tình của khán giả.

Đáng chú ý nhất trong cả ba là Ngọc Huyền. Với vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt tròn to, gương mặt trong trẻo ngây thơ, Ngọc Huyền khá phù hợp với những vai diễn học sinh THPT. Ngọc Huyền từng gây ấn tượng trong vai Vân, cô bé nhút nhát từng bị xâm hại và chịu đựng vết thương vĩnh viễn trong tâm hồn trong “Ga-ra hạnh phúc”.

Ở “Cha tôi, người ở lại”, Ngọc Huyền đã cho thấy sự lột xác khi vào vai An. Ở vai diễn này, bản gốc tiếng Trung là diễn viên nổi tiếng Đàm Tùng Vận thể hiện, đó là áp lực không nhỏ đối với Ngọc Huyền.

Khi phim ra mắt, cô thú nhận đã không xem bản gốc để cho tâm trí hoàn toàn “trống”, từ đó thể hiện nhân vật bằng chính cảm nhận của mình, không chịu ảnh hưởng từ bản gốc.

Ở An, Ngọc Huyền không còn là một cô gái nhút nhát như vẻ ngoài của mình nữa, mà đã có những pha “trả treo”, tự bảo vệ mình trước những sự tấn công ác ý từ bên ngoài. An còn có sự trẻ trung, tinh nghịch và hài hước thường thấy ở những cô gái thế hệ Gen Z hiện nay ở Việt Nam, điều khiến cho “Cha tôi, người ở lại” trở nên gần gũi với khán giả Việt hơn là một bản phim làm lại từ phiên bản nước ngoài.

“Cha tôi, người ở lại”: Thành công nhờ bản sắc Việt ảnh 2

Các nghệ sĩ Thái Sơn, Bùi Như Lai và Minh Tiệp trong phim.

Không chỉ dàn diễn viên trẻ thể hiện rất tốt vai diễn của mình, dàn diễn viên tên tuổi cũng tiếp tục khẳng định mình khi đưa bộ phim trở nên “Việt hơn” với những nhân vật hết sức thân quen, cả tốt lẫn xấu. Những người cha điềm đạm, bình tĩnh trước những mưu mô đen tối, nhưng vẫn lúng túng, bối rối khi nhận được sự quan tâm từ một người khác giới. Sự vụng về, lúng túng nhưng chân thành, đầy tình cảm của những ông bố Việt điển hình đã được hai diễn viên kỳ cựu Thái Sơn và Bùi Như Lai thể hiện hết sức “ngọt”.

“Cha tôi, người ở lại”: Thành công nhờ bản sắc Việt ảnh 3

Phim có khung cảnh, lời thoại, tình huống... rất gần gũi với đời sống xã hội người Việt.

Nổi bật nhất trong số các nhân vật phụ là mẹ và bà ngoại của Nguyên. Thu Quỳnh và Hương “tươi”, một người là “tắc kè hoa” đa dạng, một người chuyên dạng vai hài nhưng đã thổi cho hai vai diễn này một sức sống chân thực, sống động như từ ngoài đời bước vào phim. Đến mức, cả Thu Quỳnh và Hương “tươi” đều nhận được những phản ứng tiêu cực từ khán giả. Khi nhân vật mẹ Liên có dấu hiệu sẽ quay trở lại trong những tập gần đây, nhiều khán giả đã bày tỏ mong muốn “Liên biến mất” khỏi bộ phim. Đây lại là một thành công mới của nữ diễn viên Thu Quỳnh khi trở lại với màn ảnh nhỏ sau khi nghỉ sinh con.

Thành công của bộ phim còn ở chỗ xây dựng được bối cảnh và bầu không khí đậm chất văn hóa Việt. Căn nhà nhỏ có sân vườn, những phân đoạn hát văn, chơi đàn nguyệt…, tạo cho bộ phim những sắc màu đặc trưng nhất của văn hóa Việt.

Khai thác yếu tố văn hóa truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật là hướng đi giúp nhiều nghệ sĩ cũng như sản phẩm nghệ thuật thành công. “Cha tôi, người ở lại” trở thành hiện tượng phim truyền hình năm nay cũng nhờ vào nỗ lực của ê-kíp, của các diễn viên để đem đến sự chân thực, gần gũi với văn hóa, xã hội Việt Nam nhất. Đây là một hướng đi mới để các nhà sản xuất, nhà làm phim có thể tự tin hơn khi khai thác bản quyền các câu chuyện, kịch bản từ nước ngoài nhưng vẫn có thể làm ra những sản phẩm gần gũi với khán giả Việt.