Công tác chấm thi đang diễn ra theo đúng kế hoạch
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, đến thời điểm này, công tác chấm thi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương triển khai ra sao? Trong bối cảnh một số địa phương vừa thực hiện sáp nhập, và chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành, công tác chấm thi có điểm gì cần lưu ý đặc biệt?
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tổ chức coi thi là theo mô hình chính quyền địa phương 3 cấp; còn khi tổ chức chấm thi thì thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Một số tỉnh, thành phố đã được sáp nhập đơn vị hành chính. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, tập trung chủ yếu vào công tác chấm thi tại các địa phương mới sáp nhập để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn phát sinh.

Theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn (coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra…). Qua nắm bắt thông tin và kiểm tra trực tiếp, các tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban chấm thi để tiến hành công tác chấm thi theo đúng kế hoạch.
Công tác "chuyển trạng thái" nhịp nhàng nhờ chủ động của tỉnh, thành phố và hướng dẫn kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các tỉnh sáp nhập, chúng tôi yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2999/BGDĐT-QLCL ngày 13/6/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý đòi hỏi các tỉnh, đặc biệt là những địa phương hợp nhất, cần chủ động thích ứng, điều hành linh hoạt. Các địa phương tiếp tục báo cáo cụ thể về quá trình chuyển đổi, trong đó nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kể cả trong nội dung chuyên môn như hướng dẫn chấm, quy chế thi… để Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời giải đáp, hỗ trợ.
Chấm thi vì kết quả thật, bảo đảm quyền lợi thí sinh
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với đề thi môn Ngữ văn được xây dựng theo dạng mở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo, hướng dẫn như thế nào để các hội đồng chấm thi đánh giá đúng năng lực và ghi nhận được tính sáng tạo của học sinh?
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng: Đối với môn Ngữ văn, nhiều năm qua đề thi thường đã có nhiều câu nghị luận xã hội mang tính mở. Tuy nhiên, năm nay, đề thi môn Ngữ văn không lấy bất kỳ ngữ liệu nào từ các bộ sách giáo khoa, có thể nói đây là một đề hoàn toàn mở.

Đề mở hay hướng dẫn mở cũng không xa lạ nhiều với giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, toàn bộ là đề mở nên hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cũng là hướng dẫn chấm mở để bảo đảm đánh giá đúng năng lực của học sinh và chấm đều tay. Các hướng dẫn này đã được gửi đến các hội đồng chấm thi để nghiên cứu, thảo luận, hoàn thiện và thống nhất đáp án cũng như tiêu chí chấm.
Tỷ lệ chấm thử, chấm chung được thực hiện để bảo đảm sự thống nhất và đều tay giữa các cán bộ chấm thi. Đặc biệt, công tác chấm kiểm tra được thực hiện ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được chấm trước đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý, trong quá trình chấm, nếu xuất hiện các hiện tượng bất thường như quá nhiều bài có điểm số quá cao hoặc quá thấp, các hội đồng cần rà soát, xem xét lại để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi cho thí sinh.


Trong hướng dẫn chấm, đã là hướng dẫn mở thì cho phép ghi nhận những yếu tố sáng tạo, chủ động, tư duy độc lập của thí sinh. Tuy nhiên, bài làm phải đáp ứng chuẩn đầu ra và theo tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông cũng như hướng dẫn chấm thi đã ban hành. Với đề mở, học sinh có thêm cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo và bộc lộ rõ tư duy, suy nghĩ của mình không chỉ trong làm bài mà cả trong quá trình học tập và các hình thức đánh giá khác.

Phóng viên: Cùng với môn Ngữ văn, dư luận xã hội cũng đặc biệt quan tâm về độ khó của một số môn thi trắc nghiệm như Toán và Tiếng Anh. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về công tác chấm thi hai môn thi này, cũng như công tác chấm thi của các môn trắc nghiệm nói chung?
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng: Trước hết, đối với các môn thi trắc nghiệm đều được chấm bằng máy, qua đó bảo đảm tính khách quan, chính xác hơn trong công tác chấm thi.
Với những môn học được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về mức độ khó, như môn Toán và tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ tiếp tục lắng nghe. Sau khi kỳ thi kết thúc và có đầy đủ số liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá toàn diện.
Riêng với những môn học được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về mức độ khó, như môn Toán và tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ tiếp tục lắng nghe. Sau khi kỳ thi kết thúc và có đầy đủ số liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá toàn diện ưu điểm, những việc đã làm được, tổng thể của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời xem xét, rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi năm nay, từ đó có cơ sở điều chỉnh, hoàn thiện tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Mục tiêu chung là hướng đến kết quả thật của thí sinh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của thí sinh trong kỳ thi này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với tiến độ chấm thi tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước như ông đã chia sẻ, việc công bố kết quả thi cho thí sinh có diễn ra đúng theo kế hoạch dự kiến?
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng: Đến thời điểm hiện tại, qua công tác chỉ đạo, theo dõi tình hình và kiểm tra trực tiếp tại các địa phương, công tác chấm thi tại các hội đồng đang được triển khai đúng tiến độ, quy chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các hội đồng không ép tiến độ đến mức quá căng thẳng, dẫn tới những sơ suất không đáng có, không được chấm quá nhanh dễ dẫn đến sai sót, bỏ sót bài hoặc sót ý trong quá trình chấm. Mục tiêu cao nhất là vừa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, vừa bảo đảm chất lượng công tác chấm, đánh giá đúng thực chất, khách quan, ghi nhận đầy đủ kết quả làm bài của thí sinh.
Dự kiến, vào lúc 8 giờ sáng ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT trên phạm vi toàn quốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!