Trong đó xây dựng các công trình theo hướng tăng diện tích thấm nước, thích nghi với thời tiết, hạn chế bê-tông hóa như hiện nay.
Mưa một trận đã ngập
Trận mưa lớn nhất từ đầu năm 2025 đến nay đã xuất hiện vào đầu mùa mưa ngày 10/5 vừa qua khiến nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai ngập sâu trong nước, việc đi lại và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Thậm chí đã khiến một người thiệt mạng khi bị nước cuốn trôi tại tỉnh Bình Dương.
Theo số liệu của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, trận mưa ngày 10/5 được xem lớn nhất từ đầu năm 2025 đến nay tại TP Hồ Chí Minh với lượng mưa đo được tại một số trạm tự động như sau: Củ Chi 223,2 mm, An Phú 123,8 mm, Thủ Đức 112,4 mm. Một số khu vực khác cũng có mưa rất to như: La Ngà (Đồng Nai) 152,6 mm, Đức Hòa (Long An) 124 mm, Tân Uyên (Bình Dương) 118,2 mm, Sở Sao (Bình Dương) 115,6 mm, Bến Cát (Bình Dương) 110,4 mm.
PGS, TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), giải pháp, cách làm chống ngập nước đồng bộ là rất khó, bởi về giải pháp công trình, hiện nay chúng ta đầu tư mới chỉ một phần nhỏ, chưa đồng bộ, còn manh mún, chưa phát huy được như kỳ vọng nên để đầu tư đồng bộ cần có thời gian, chưa kể kinh phí lớn. Ngoài ra tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, do đó công tác chống ngập càng thêm khó khăn hơn.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh Võ Kim Cương nhấn mạnh, tình trạng ngập nước kéo dài nhiều năm qua do cách chống ngập của thành phố còn lẻ tẻ. Thành phố đã xây dựng quá nhiều công trình, nâng cấp đường khiến đô thị chia thành nhiều mảnh và sẽ gây ngập úng lan rộng. Có những con đường làm xong, khu dân cư lại ngập nước. Dân nâng nền nhà tiếp tục đẩy ngập qua chỗ khác, cuộc chạy đua này không bao giờ dứt điểm.
Bàn câu chuyện ngập nước, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị đã đưa ra số liệu nghiên cứu cho thấy, thông thường, khi mưa xuống đất tự nhiên thì 40% bốc hơi, 10% chảy trên bề mặt, 50% thấm vào đất. Đô thị có quy hoạch thì độ thấm vào đất có lẽ chỉ 15%, còn 55% thoát trên bề mặt, theo cống. Nhưng tại TP Hồ Chí Minh, bê-tông hóa quá cao, nên thấm vào đất có lẽ chỉ 5%, làm cho 65% nước thoát bề mặt, rất dễ gây ngập nếu giải pháp thoát nước không phù hợp.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin, toàn bộ kinh phí mà thành phố đã “đổ” vào công tác chống ngập giai đoạn từ năm 2016-2020 là 25.998 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Kế hoạch giảm ngập nước cho thành phố giai đoạn năm từ 2021-2025 ước tính cần khoảng 101 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD.
Cần một cuộc “cách mạng” về chính sách
Bàn tiếp về giải pháp, PGS, TS Hồ Long Phi cho rằng, để giải quyết ngập hiệu quả đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ một mình địa phương không thể kham nổi. “Để hạn chế ngập nước, giải pháp căn cơ trước mắt là chúng ta cần thực hiện các công trình thấm nước tốt như sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm nước xuống nền đất nhanh, sử dụng bê-tông nhựa rỗng ở vỉa hè, bãi đỗ xe cũng giảm đáng kể tình trạng ngập nước hay như thu gom nước mưa qua các bể chứa ngầm bằng nhựa như đã làm tại đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)”, PGS, TS Hồ Long Phi góp ý.
Theo TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, cơ quan chức năng cần quản lý thoát nước ngập để vừa giảm tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích của nước. Trong đó, cần có chiến lược thoát nước cho toàn thành phố giúp nước thoát không gây ngập mà vẫn chảy dần vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và vào mặt đất. Cùng với đó, triển khai làm các hồ điều tiết ngầm để thoát nước khi có những trận mưa lớn, đồng thời gia tăng diện tích đất cho không gian xanh giúp tiêu thoát nước tốt hơn.
Tìm cách giảm ngập trong thời gian tới, GS, TSKH Lê Huy Bá cho biết, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cần có những bước đi cụ thể và linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Bên cạnh đó, khi quy hoạch đô thị mới cần rải đều, tránh tập trung đông dân gây quá tải về hạ tầng, kiến trúc xây dựng phải bảo đảm phù hợp địa hình từng khu vực, hướng tới công trình xanh có khả năng tự tiêu thoát nước, tránh bê-tông hóa cao tại các khu vực trọng yếu. Đặc biệt, cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch chống ngập theo thực tế, tránh để lạc hậu trước những điều kiện biến đổi khí hậu.
Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được vừa có ý kiến chỉ đạo về bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2025 trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch. Cùng với đó, giao Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng đẩy nhanh tiến độ các dự án xóa, giảm ngập thuộc kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn từ 2021-2025, đặc biệt là giải quyết 12 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập giai đoạn từ 2025-2030.