Tham dự buổi lễ có đại diện cộng đồng người Việt, những người bạn Pháp thân thiết của Việt Nam, các nhà sử học, nghiên cứu cùng các cơ quan đại diện Việt Nam.
Theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn, chiến thắng 30-4 của nhân dân Việt Nam là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam; là trang sử hào hùng trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30-4 đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, phát triển.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện có ý nghĩa thời đại sâu sắc, cổ vũ các dân tộc trên thế giới kiên cường trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự quyết dân tộc, giải phóng con người, vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam đã trở thành tấm gương của lòng quả cảm với tôn chỉ “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
"Đây là dịp để nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn bè quốc tế khắp năm châu đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là tại Pháp trong đó có nhiều bạn bè có mặt tại đây ngày hôm nay", Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nói.
![]() |
Ông Jacques Chavalier kể lại quá trình quay phim lúc Sài Gòn được giải phóng.
Sau gần 30 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Tăng trưởng GDP liên tục đạt từ 7-8% từ 1990 đến trước khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Dù kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, tăng trưởng GDP vẫn đạt ở mức khả quan: năm 2013 đạt 5,4%, năm 2014 là 5,9% và quý I/2015 đạt hơn 6 %. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ vững chắc. Về đối ngoại, tiến trình đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đã giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế.
Có được những thành quả lớn lao đó là kết quả của sự đóng góp của mỗi người dân Việt Nam, ở trong cũng như ngoài nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, trong cuộc kháng chiến để giành độc lâp và thống nhất đất nước đã luôn hướng về Tổ quốc, ủng hộ, tiếp sức cùng đồng bào, chiến sĩ trong nước. Hòa bình lập lại, với tiềm lực tri thức và kinh tế, với công sức, trí tuệ, tình đoàn kết và tấm lòng hướng về quê hương, bà con kiều bào tại Pháp vẫn tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, làm nhịp cầu cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp.
![]() |
Những người bạn Pháp luôn hết lòng ủng hộ Việt Nam như bà Raymonde Dien cũng có mặt tại Lễ kỷ niệm.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của cuộc chiến vẫn còn hiện hữu với chất độc da cam, với mất mát của nhiều gia đình. Mặc dù vậy, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước đều lạc quan hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều có chung quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam không phải chỉ của quá khứ hào hùng trong đấu tranh mà là một Việt Nam hội nhập và cởi mở, năng động, hiện đại mà giàu bản sắc, một Việt Nam nhân ái, trọng sự hòa hiếu, đoàn kết đồng thuận.
Tại lễ kỷ niệm, một số nhân chứng đã chia sẻ những cảm xúc được tận mắt chứng kiến những giây phút lịch sử của 40 năm về trước vào đúng ngày 30-4-1975. Ông Nguyễn Văn Bổn còn nhỡ mãi những ngày trông ngóng tin tức từ quê nhà. Ông nói: "Kể từ lúc nhận được tin chiến thắng ở Buôn Mê Thuột, chúng tôi đã thấy rõ là chiến thắng cuối cùng sẽ không còn xa, chỉ còn tính ngày, tính tháng mà thôi".
Rạng sáng ngày 30-4 ở Pháp, ông cùng bà con Việt kiều ở Pháp vô cùng vui sướng khi nghe được tin xe tăng của quân giải phóng đã vào đến Sài Gòn, rồi sau đó tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. "Một đêm dài trông ngóng kết thúc và ngày mới bắt đầu ngay từ thời điểm ấy. Cảm xúc vỡ òa trong lòng chúng tôi, những người con đất Việt ở xa Tổ quốc. Vui mừng thay nhưng sao nước mắt lại dâng trào. Đó là vì giấc mơ giờ đã thành hiện thực", ông bồi hồi nhớ lại.
![]() |
Cán bộ các cơ quan đại diện tại Pháp biểu diễn các bài hát về giải phóng miền nam, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Có mặt trong lễ kỷ niệm, ông Jacques Chavalier, giới thiệu những hình ảnh quý giá mà ông quay được ở Sài Gòn ngay trước, trong và sau ngày giải phóng. Ông nói: "Tôi thật may mắn khi có mặt ở Sài Gòn vào thời điểm đó với tư cách là cộng tác viên của Trường Collete. Mọi diễn biến xảy ra quá nhanh và tôi đã ghi được những cảnh người dân ở đó chào đón quân giải phóng trong niềm vui sướng vô bờ. Cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh tung bay khắp đường phố. Vậy là người Việt Nam đã bước sang một trang lịch sử mới sau khi giành được tất cả độc lập, tự do, đất nước được thống nhất".
Đại diện thế hệ sinh ra sau khi đất nước được thống nhất, anh Lều Đăng Hoài bày tỏ niềm tự hào được tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để giành lại hòa bình và độc lập dân tộc. Vì vậy, thế hệ trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ làm hết sức mình, đoàn kết để có thể đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp và phát triển hơn.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn trao tặng Bằng khen và Giấy khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho những Việt kiều đã có những đóng góp tích cực trong việc củng cố, phát triển cộng đồng và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.