Quản lý địa bàn có hoạt động thương mại điện tử lớn nhất nước, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai các giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, nhờ thực hiện tốt tuyên truyền hỗ trợ, các hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử đang dần tuân thủ pháp luật về thuế. Điển hình, một hộ kinh doanh do Chi cục Thuế Quận 1 quản lý đã tự kê khai và nộp 11,5 tỷ đồng (tổng số thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) từ thu nhập trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cũng tự đến cơ quan thuế kê khai và nộp thuế hơn 1 tỷ đồng (tiền thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) trong năm 2024, trong đó, có người nộp thuế lên tới 4,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ câu chuyện này, dư luận lại dấy lên lo ngại có thể còn nhiều người có doanh thu rất lớn từ kinh doanh thương mại điện tử nhưng vẫn đang bị “bỏ sót” vì họ chưa tự giác kê khai thuế. Do đó, trong kế hoạch năm 2025, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật thuế của các cá nhân là: YouTuber, TikToker, KOL và người bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, TikTok, YouTube…
Lâu nay, công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử gặp không ít trở ngại là vấn đề không riêng địa phương nào, nhất là ở khu vực kinh tế phát triển năng động như vùng Đông Nam Bộ. Nguyên nhân là hoạt động kinh doanh bán hàng live stream (phát sóng trực tiếp) được thực hiện hoàn toàn trên không gian mạng, không phụ thuộc vào địa bàn quản lý hành chính.
Các chủ thể giao dịch thương mại điện tử dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch, do đó việc truy vết, xác định người nộp thuế và doanh thu phát sinh trên các nền tảng thương mại điện tử rất khó khăn. Việc theo dõi và kiểm soát các giao dịch phát sinh cũng gặp trở ngại khi phương thức thanh toán tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến. Điều này khiến cho việc xác định doanh thu và giá trị thực tế của các giao dịch trở nên không chính xác và thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ quy định về pháp luật đăng ký kinh doanh, pháp luật thuế…
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần chia sẻ kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… Qua đó, đối chiếu yêu cầu kê khai nộp thuế, xác định được doanh thu, dòng tiền có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế cần phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế, không khai thuế hoặc kê khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định Luật Quản lý thuế. Đồng thời tuyên truyền, tôn vinh những người nộp thuế tiêu biểu góp phần nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế.