Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Ứng Hòa khoảng 72.300 con, đàn gia cầm hơn 2,2 triệu con. Thực hiện kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin đợt một năm 2025, từ ngày 20/3 đến ngày 20/4, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Các loại vắc-xin được tiêm gồm vắc- xin viêm da nổi cục, lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh…
Để chiến dịch tiêm vắc-xin đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng. Lực lượng thú y trực tiếp đến các hộ chăn nuôi, trang trại để tổ chức tiêm phòng, bảo đảm 100% số vật nuôi thuộc diện cần tiêm đều được tiêm phòng đầy đủ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo người chăn nuôi phối hợp chặt chẽ với thú y cơ sở để đàn vật nuôi được tiêm phòng đúng lịch trình, không lơ là công tác phòng bệnh. Ngoài tiêm phòng, các hộ chăn nuôi cũng thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng định kỳ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Tại huyện Hoài Đức, chiến dịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt một đã triển khai thành công, với gần 328.000 liều vắc-xin các loại. Để thực hiện hiệu quả chiến dịch, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã rà soát số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn và giao chỉ tiêu tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đến từng xã, thị trấn. Lực lượng chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, bảo quản vắc-xin cho lực lượng nhân viên thú y xã, cộng tác viên thú y; thành lập 20 điểm tiêm tập trung và tiêm lưu động. Vận chuyển và bảo quản vắc-xin theo đúng quy định bảo đảm chất lượng, đồng thời, tăng cường cử cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn lực lượng trực tiếp tham gia để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, năm 2024 và hai tháng đầu năm 2025, thành phố có hơn 20 triệu lượt con gia súc, gia cầm được tiêm phòng. Trong tháng 3, 4, nhiều địa phương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Thành phố đã tiến hành tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, khu vực kinh doanh động vật sống, sản phẩm động vật, khu giết mổ, sơ chế động vật, nơi thu gom rác thải, chất thải, chốt kiểm dịch động vật...
Nhờ đó, trong năm 2024 và quý I/2025, các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi được ngăn chặn, khống chế hiệu quả. Đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh lớn. Năm 2025, việc tiêm phòng vắc-xin đại trà cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai đồng loạt trên địa bàn với hai đợt, đợt một từ ngày 20/3 đến 20/4 và đợt hai từ ngày 1/9 đến 10/10. Bên cạnh đó, hằng tháng, các đơn vị liên quan tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm nuôi mới, mới sinh, hết miễn dịch đến tuổi tiêm theo quy định... nhằm tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tạo miễn dịch chủ động, sản phẩm an toàn để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.