Tránh lãng phí tài nguyên

Hà Nội là địa bàn có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn, nhưng thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ hoặc không có điều kiện khai thác. Trong khi đó, nguồn chất thải rắn xây dựng thải ra hằng ngày rất lớn lại chưa được tái chế, tái sử dụng hiệu quả.

Máy nghiền chất thải rắn xây dựng của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Máy nghiền chất thải rắn xây dựng của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Thành, chủ thầu xây dựng nhà ở riêng lẻ ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì đứng ngồi không yên vì nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm và giá bán liên tục tăng cao. Anh Thành chia sẻ, cuối năm 2024, anh ký hợp đồng xây dựng trọn gói ba ngôi nhà ở riêng lẻ. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá nguyên vật liệu xây dựng như: gạch, cát đen, cát vàng… tăng rất cao, đẩy chi phí mỗi mét vuông xây dựng tăng theo. Điển hình, giá cát san nền từ khoảng 200.000 đồng/m3 tăng lên khoảng 600.000 đồng/ m3 và rất khó mua, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình. Anh Thành đã nhiều lần trao đổi, đề nghị chủ đầu tư cho thay thế cát san nền bằng chất thải rắn xây dựng để giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng chủ nhà nhất định không đồng ý, yêu cầu thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết. Do đã ký hợp đồng trọn gói với khách hàng, nhận tạm ứng tiền ngay khi ký kết hợp đồng cho nên anh Thành không thể làm khác, vẫn phải sử dụng cát san nền và đành chấp nhận thua lỗ.

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh hàng nghìn tấn chất thải rắn xây dựng, nhưng mới có hai điểm xử lý, gồm bãi chôn lấp tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh với quy mô gần 5 ha, nhưng khối lượng có thể tiếp nhận rất hạn chế và khu tái chế của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ. Vì thế, mỗi ngày có một lượng không nhỏ chất thải rắn xây dựng bị đổ trộm bừa bãi ven đường giao thông, khu đô thị, công trình xây dựng… Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã sử dụng chất thải rắn xây dựng san lấp lấn chiếm hồ ao, đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép để trục lợi, hủy hoại môi trường.

Theo đại diện Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của thành phố rất lớn, chiếm khoảng 15% nhu cầu cả nước. Giai đoạn hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông trọng điểm, cần một số loại vật liệu với khối lượng rất lớn. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Hà Nội chậm phát triển do không có nguồn nguyên liệu hoặc không có điều kiện khai thác. Thành phố cũng chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, nhất là các loại vật liệu rời, như đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp cho nên phải vận chuyển từ các tỉnh lân cận về. Do vậy, các loại vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế, sử dụng phế thải xây dựng sẽ được ưu tiên đầu tư trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng của thành phố.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án Tổng thể công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2030. Thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế; đồng thời, sử dụng các vật liệu từ tái chế chất thải rắn xây dựng vào công trình xây dựng. Đặc biệt, thành phố yêu cầu 100% các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng vật liệu được tái chế từ chất thải rắn xây dựng để thay thế các vật liệu được khai thác từ tài nguyên.

Để triển khai đề án, thành phố sẽ đầu tư, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng. Xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ các đơn vị thực hiện tái chế, sử dụng các sản phẩm sau tái chế từ chất thải rắn xây dựng. Đáng chú ý, thành phố gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương, các cá nhân được phân công phụ trách nếu để xảy ra tình trạng đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng của các chủ đầu tư, chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển và xử lý ■

Có thể bạn quan tâm

back to top