Không chỉ là cánh tay nối dài của cơ quan công quyền, các đại lý dịch vụ công trực tuyến còn là biểu tượng của sự đổi mới trong cách thức tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính, nhất là tại các khu vực còn hạn chế điều kiện tiếp cận công nghệ số.
Được khởi động từ đầu năm 2025, mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến đã nhanh chóng được triển khai trên toàn thành phố. Từ 32 điểm ban đầu tại các bưu cục, cửa hàng tiện ích, siêu thị, đến nay, Hà Nội đã có 476 điểm đại lý dịch vụ công trực tuyến, trong đó 206 đại lý đặt tại các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng BIDV, 270 đại lý khác đặt tại các bưu cục của VNPost, Viettel Post, hệ thống cửa hàng FPTShop, nhà thuốc Long Châu, các điểm dịch vụ tiện ích cộng đồng với hơn 50 thủ tục hành chính được thực hiện.
Theo Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, tính đến cuối tháng 4, các đại lý này đã hỗ trợ tiếp nhận, hướng dẫn và số hóa hồ sơ cho gần 1.000 lượt người dân mỗi ngày, chủ yếu là người cao tuổi, người không có thiết bị công nghệ hoặc không thành thạo thao tác trên nền tảng số.
Ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố nhấn mạnh: “Mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến là một giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, được đánh giá là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển và đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới”.
Trước đây, tỷ lệ hồ sơ hành chính được nộp trực tuyến tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 30% do nhiều rào cản: Hạ tầng thiết bị chưa đồng đều, người dân chưa quen sử dụng công nghệ, tâm lý e ngại thủ tục số... Tuy nhiên, từ khi mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến đi vào hoạt động, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ đã tăng nhanh. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, 80% số hồ sơ dịch vụ công được nộp trực tuyến, đánh dấu một bước tiến ấn tượng trong hành trình xây dựng chính quyền điện tử.
Tại phường Từ Liêm, chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương cho biết: “Tôi từng phải đi ba lần mới hoàn thành thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho con. Nay chỉ cần mang giấy tờ ra phòng giao dịch BIDV gần nhà, có nhân viên hỗ trợ nộp online, nhận kết quả tại nhà, rất tiện lợi”.
Các đại lý không chỉ tiếp nhận hồ sơ, mà còn hỗ trợ người dân tạo tài khoản định danh, số hóa giấy tờ, thanh toán phí dịch vụ trực tuyến, chuyển phát kết quả đến tận tay. Đáng chú ý, với mô hình “3 phi, 2 không”: Phi địa giới hành chính, phi trung gian, phi giấy tờ; không cửa hành chính, không xếp hàng, người dân được phục vụ nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Một điểm nổi bật trong cách làm của Hà Nội là huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công. Các doanh nghiệp như VNPost, Viettel, FPT, Pharmacity… không chỉ góp mặt với vai trò cơ sở hạ tầng, mà còn trực tiếp cử nhân sự phối hợp đào tạo, vận hành hệ thống.
Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: “100% số nhân viên bưu điện thành phố Hà Nội đã được tập huấn về quy trình, nghiệp vụ nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Việc thúc đẩy mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến góp phần giảm tình trạng quá tải cho các cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm nguồn lực xã hội thông qua việc chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp đảm nhận”.
Sự đồng hành của doanh nghiệp giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước, đồng thời mở rộng độ bao phủ dịch vụ công đến tận các khu dân cư, thôn, xã, vùng sâu, vùng xa. Mỗi đại lý trở thành một “trạm chính quyền số” thân thiện và dễ tiếp cận với mọi tầng lớp nhân dân. Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, sẽ có 150 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 được hỗ trợ tại hệ thống đại lý.
Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng để mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến phát huy tối đa hiệu quả, Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc. Thứ nhất, hệ thống công nghệ thông tin giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ; việc liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với hệ thống chuyên ngành vẫn còn độ trễ, gây khó khăn trong xử lý. Thứ hai, một số đại lý vẫn gặp khó khăn trong việc cập nhật quy trình, biểu mẫu mới, nhất là với những thủ tục có yêu cầu pháp lý chặt chẽ như phiếu lý lịch tư pháp, cấp giấy phép xây dựng mới đối với công trình cấp III, cấp IV… Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân, nhất là khu vực ngoại thành, hiểu rõ lợi ích và chủ động tiếp cận dịch vụ.
Chính quyền số không còn là khái niệm xa vời, mà đang dần hiện hữu ngay trong từng giao dịch hằng ngày của người dân Thủ đô. Mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến, với tính linh hoạt, thân thiện, gần dân, đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội thông minh, hiện đại, đáng sống.