Nhanh chóng thích nghi, phục vụ nhân dân tốt nhất

Xã Gia Lâm là vùng đất cổ, một địa bàn trọng điểm về kinh tế-xã hội tại cửa ngõ phía đông thành phố Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu triển khai vận hành chính quyền địa phương hai cấp, cả hệ thống chính trị của xã đã nỗ lực để phục vụ người dân tốt nhất.

Cán bộ xã Gia Lâm hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ xã Gia Lâm hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Bà Nguyễn Thu Hà, cư dân Khu đô thị Ocean Park (xã Gia Lâm) bày tỏ hài lòng khi được các cán bộ, nhân viên đón tiếp, hướng dẫn rất nhiệt tình tại điểm phục vụ hành chính công đặt trên địa bàn xã Gia Lâm. Bà Hà cho biết: “Hôm nay, tôi đến đây để giải quyết các thủ tục về đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Tôi thấy các thủ tục được giải quyết với thời gian nhanh hơn rất nhiều. Cơ sở vật chất khang trang, cán bộ xử lý hồ sơ nhanh, gọn. Tôi thấy việc đưa vào vận hành chính quyền địa phương hai cấp đã đem lại nhiều đổi mới”. Để chuẩn bị cho việc vận hành hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, ngay từ tháng 6, cấp uỷ, chính quyền huyện Gia Lâm (cũ) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất lẫn nghiệp vụ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm (cũ) đã ban hành Kế hoạch số 271-KH/HU ngày 15/6/2025 về việc triển khai thực hiện vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các đơn vị hành chính xã mới dự kiến trên địa bàn huyện, từ ngày 20 đến ngày 26/6, tại trụ sở cơ quan bốn xã mới: Gia Lâm, Phù Đổng, Thuận An, Bát Tràng hình thành trên cơ sở huyện Gia Lâm (cũ).

Ngay sau khi kết thúc thời gian vận hành thử, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp rút kinh nghiệm công tác vận hành để khắc phục những hạn chế, để phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong thời gian đầu, tại các khu vực, các xã đều bố trí cán bộ hướng dẫn người dân, đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi - những người còn lúng túng khi sử dụng máy móc, thiết bị. Điều này kết hợp với việc ứng dụng số hóa khiến các thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, hiệu quả hơn.

Xã Gia Lâm là một vùng đất cổ, được hình thành trên cơ sở sáp nhập địa giới hành chính của thị trấn Trâu Quỳ, xã Kiêu Kỵ và một phần của các xã Cổ Bi, Dương Xá, Phú Sơn, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm cũ)… Những năm gần đây, xã Gia Lâm là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế cao của thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ưu tiên phát triển công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ, đồng thời từng bước giảm tỷ trọng nông nghiệp. Các cụm công nghiệp và làng nghề phát triển mạnh mẽ, nổi bật với các ngành nghề truyền thống như sản xuất vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, đồ gỗ mỹ nghệ tại Dương Xá, trồng hoa cây cảnh và các sản phẩm OCOP… Trên địa bàn có các khu, cụm công nghiệp lớn như: Phú Thị, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Trâu Quỳ, Cổ Bi, Phú Sơn, Đa Tốn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo việc làm và thúc đẩy thu ngân sách địa phương. Nhiều khu đô thị mới mọc lên góp phần thay đổi diện mạo của xã theo hướng hiện đại. Việc vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nói riêng, tạo lực đẩy cho sự phát triển khu vực cửa ngõ phía đông thành phố Hà Nội nói chung. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Hoạt động của chính quyền xã mới được chuẩn bị kỹ càng, kết hợp với triển khai số hóa, cho nên các thủ tục hành chính của người dân đều diễn ra nhanh gọn. Những ngày đầu triển khai, người dân trên địa bàn đến làm việc với cơ quan chính quyền đều rất phấn khởi”.

Mặc dù cán bộ các phòng, ban chuyên môn thuộc cấp xã vẫn còn chút bỡ ngỡ trước những chức năng, nhiệm vụ mới, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đề cao tinh thần phục vụ, các cán bộ vừa làm vừa tháo gỡ vướng mắc. Điều này là cơ sở để chính quyền hai cấp tại Gia Lâm tiếp tục vận hành ngày một hiệu quả trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

back to top