Chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão

Ngay đầu mùa mưa bão năm 2025, các tỉnh miền núi phía bắc đã hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, giông lốc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, từ di dời dân cư đến ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo sớm, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác khắc phục bão lũ tại Lào Cai. (Ảnh: TÂM THỜI)
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác khắc phục bão lũ tại Lào Cai. (Ảnh: TÂM THỜI)

Thiên tai bất thường

Đêm 9 và ngày 10/5, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra mưa lớn kèm giông lốc, một số nơi có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50,4-140 mm. Mưa lớn kéo dài đã khiến 282 ngôi nhà của người dân tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang bị hư hỏng; hơn 382 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, cây lâm nghiệp gãy đổ; ước tính thiệt hại hơn 7,4 tỷ đồng.

Huyện Hàm Yên là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, với 216 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 263 ha diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Văn Hòa cho biết, ngay khi mưa bão xảy ra, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp đến các xã bị thiệt hại nặng, chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời khắc phục hậu quả, khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đã được dự báo.

Gia đình anh Phạm Minh Hải, ở thôn Gạo Đình, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên bị hàng trăm mét khối đất bùn từ ta-luy dương sau nhà tràn xuống vùi lấp công trình phụ và toàn bộ phía sau ngôi nhà, gây thiệt hại đáng kể về tài sản. Ngay sau khi mưa ngớt, anh Hải cùng các thành viên trong gia đình, hàng xóm đã tích cực dọn dẹp bùn đất, thu gom đồ đạc, nhanh chóng ổn định nơi ở và đời sống sinh hoạt.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện thời tiết đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ xảy ra mưa giông, lốc, sét vẫn còn tiềm ẩn tại nhiều địa phương. Các huyện đã chỉ đạo các xã có các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở khẩn trương di dời đến nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Lực lượng xung kích ở các xã đã sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Tại các tỉnh lân cận, thiên tai cũng gây nhiều thiệt hại đáng kể. Đêm 9/5, mưa lớn kèm giông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) với 66 nhà ở bị tốc mái, 6,95 ha lúa, ngô bị gãy đổ, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Tại tỉnh Lào Cai, 20 căn nhà trên địa bàn các xã Lương Sơn, Nghĩa Đô, Yên Sơn, thị trấn Phố Ràng thuộc huyện Bảo Yên bị hư hỏng; ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng; hơn 4 ha lúa, hoa màu và cây lâm nghiệp bị thiệt hại, một số công trình hạ tầng, nhà văn hóa cũng bị ảnh hưởng.

UBND các xã, thị trấn bị ảnh hưởng do thiên tai đã huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đồng thời thống kê chi tiết các hộ bị thiệt hại về sản xuất, nhà ở để có phương án khắc phục kịp thời.

Đêm 10, rạng sáng 11/5, mưa đá, giông lốc tiếp tục gây thiệt hại cho các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu). Xã Mường Kim, huyện Than Uyên là nơi thiệt hại nặng nề nhất với 268 nhà bị sập, tốc mái và hư hỏng, cùng 86 trạm biến áp bị mất điện ảnh hưởng đến gần 6.500 hộ dân, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Diệu ở bản Là 2 cho biết, gió lốc kéo dài chưa đầy 20 phút, sau đó mưa đá bắt đầu trút xuống. Mặc dù đã gia cố mái, chằng chống nhà nhưng gió mạnh đã làm nhà đổ sập. May mắn cả gia đình chạy kịp, không ai bị thương, dù tài sản đã hỏng hết.

Ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết, đây là đợt thiên tai lớn nhất tại địa bàn trong nhiều năm qua. Ngay sau khi xảy ra, chính quyền xã đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố, đến 3 giờ ngày 11/5 mới thông được đường cho xe cứu hộ. Đến hết sáng 12/5, hơn 500 lượt người đã được huy động hỗ trợ người dân dựng lán tạm, sửa chữa nhà và ổn định cuộc sống. Xã cũng sẽ tính toán nguồn hỗ trợ để các hộ bị sập nhà hoàn toàn có thể dựng lại nơi ở mới.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác dự báo thiên tai

Các đợt giông lốc bất ngờ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía bắc cho thấy sự phức tạp và khó lường của thời tiết, đòi hỏi các cấp chính quyền và người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.

Tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều cách làm hay, chủ động trong phòng chống thiên tai. Từ chỗ chỉ có 10 điểm đo mưa thủ công với thời gian cập nhật 6 giờ một lần, nay tỉnh đã đầu tư 135 trạm đo mưa tự động với dữ liệu được truyền tự động (3G/GPRS/SMS) về hệ thống quản lý theo thời gian thực, bảo đảm độ chính xác và cảnh báo kịp thời khi cường độ mưa lớn. Đặc biệt, hệ thống này còn phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp người dân và cán bộ dễ dàng tiếp cận thông tin.

Công tác quản lý và bảo vệ các trạm đo mưa được thực hiện trực tiếp bởi UBND các xã, phường nơi lắp đặt. Việc cung cấp dịch vụ thông tin lượng mưa qua phần mềm Vrain đã góp phần chủ động thông báo và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Sau cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão (năm 2024), khiến 138 người chết, 88 người bị thương, 13 người mất tích, tổng thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng, cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả, tỉnh Lào Cai đã tập trung triển khai lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác dự báo thiên tai. Các trạm quan trắc tự động được lắp đặt tại khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, giúp theo dõi chính xác lượng mưa và mực nước sông suối, từ đó có những cảnh báo sớm về thiên tai cho nhân dân. Tỉnh cũng rà soát các khu vực nguy hiểm để di dời dân cư đến nơi an toàn, đồng thời đề xuất 22 dự án sắp xếp bố trí ổn định dân cư tập trung cho vùng thiên tai khẩn cấp.

Với sự hỗ trợ của Trung ương, các đơn vị và các nhà hảo tâm, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành xây dựng ba khu tái định cư mới Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Nậm Tông và Kho Vàng (huyện Bắc Hà) để đưa các hộ dân chịu thiệt hại của thiên tai đến nơi an toàn. Từ đầu năm 2025 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã di chuyển 975 hộ đến nơi ở mới an toàn.

Ngày 9/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả bão lũ tại Lào Cai. Đồng chí Trưởng đoàn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai khẩn trương các dự án, bảo đảm an toàn cho người dân và ổn định hạ tầng đô thị, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao để có giải pháp phòng ngừa và tăng cường giám sát chất lượng công trình, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.

Những nỗ lực của các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu đã thể hiện quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và từng bước thích ứng với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại một cách bền vững, cùng với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp, các ngành, rất cần sự chủ động, nâng cao nhận thức của người dân, bởi phòng ngừa vẫn luôn là giải pháp hữu hiệu nhất trước mọi loại hình thiên tai.