Chua chát… cà chua Đơn Dương

NDO -

NDĐT – Trưa, nắng khỏa tràn trên huyện nông thôn mới Đơn Dương (Lâm Đồng). Trên vườn cà chua mùa đậu trái, nguồn kinh tế chủ yếu của gia đình, anh Ya Ny (thôn Ka Đê, xã Ka Đơn) đang cầm lòng nhổ bỏ những gốc cà chua bị bệnh xoăn lá, cố nhặt nhạnh những trái cà chua có thể bán được để lo cho hai đứa con tuổi ăn học. Đây là lần đầu tiên bệnh xoăn lá bùng phát mạnh, sự chua chát đang “ập” xuống thủ phủ cà chua Đơn Dương.

Anh Ya Ny nhổ bỏ cây nhiễm bệnh và tìm chỗ xử lý tránh lây lan.
Anh Ya Ny nhổ bỏ cây nhiễm bệnh và tìm chỗ xử lý tránh lây lan.

“Nốt trầm” trên những mảnh vườn

Trưa đứng bóng, anh Ya Ny vẫn tỉ mẫn thu hái những trái cà chua có thể bán được, lác đác trong khu vườn 5.000 m2 của gia đình. Vườn cà chua này đã xuống giống hơn hai tháng nay, với 16 nghìn gốc, gia đình anh Ya Ny đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng, chưa kể công, vật tư nông nghiệp, nhưng nay bị nhiễm bệnh xoăn lá nặng. “Mình trồng cà chua hơn 10 năm nay, chưa bao giờ bị bệnh xoăn lá dữ dội như vụ này. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đây, cả gia đình chỉ trông cậy vào vườn cà chua này, nhưng giờ bị thiệt hại hơn 70%, sắp tới không biết phải làm sao”, anh Ya Ny thổ lộ.

Thôn Ka Đê có hơn 200 hộ dân, khoảng 75% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống bà con chủ yếu phục thuộc vào nông nghiệp, với cây trồng chủ lực là cà chua, ớt ngọt. Với vai trò trưởng thôn, anh Ya Ny mong muốn, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể hơn cho bà con về cách phòng trừ, tiêu hủy đúng cách để triệt mầm bệnh. “Mình nghe nói bệnh này do côn trùng chích hút mang từ vườn này sang vườn khác, nên lây lan nhanh lắm. Nếu nhổ bỏ, tiêu hủy không đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn cho vườn khác và những vụ tiếp theo”, anh Ya Ny nói.

Cách vườn gia đình anh Ya Ny một con đường làng, cũng nằm trong khu vực “nóng” nhất về bệnh xoăn lá, vườn cà chua hơn 2.200 m2 của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải (thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn) cũng đang chịu chung tình cảnh. Vườn cà chua của gia đình anh Hải đã cho trái bói, nhưng không thể thu hoạch vì trái kém chất lượng. Nhìn vườn cà chua đang lên xanh, đan xen màu vàng úa, lá quắt queo, anh Hải trầm buồn: “Đáng ra, gia đình mình đã có thu nhập từ vườn cà chua này, nhưng nay phần lớn cây chưa kịp bung hoa thì lá đã chuyển vàng, xoăn lại, cây lùn thấy rõ, nếu đậu trái thì cũng bị sượng, hư hỏng”.

Chua chát… cà chua Đơn Dương ảnh 1

Nông dân xã Ka Đơn nhổ bỏ những gốc cà chua bị nhiễm bệnh xoăn lá.

Anh Hải mang những chai thuốc bảo vệ thực vật cho chúng tôi xem, đây là những loại thuốc anh đã bơm xử lý bệnh xoăn lá, nhưng tất cả đều vô vọng. Nhổ vài cây cà chua úa vàng, lá bị xuăn lại, anh Hải ngậm ngùi: “Những vụ trước, vườn của gia đình mình cho thu nhập hơn 60 triệu đồng, còn vụ này thì…”, anh Hải bỏ lửng câu nói, như chính nỗi buốn của bà con nơi đây, khi đành chịu “khoanh tay” nhìn những vườn cà chua lá “rúm” lại, do nhiễm bệnh xoăn lá chưa có thuốc đặc trị.

Bệnh xoăn lá trên cây cà chua bắt đầu xuất hiện từ trung tuần tháng bảy, sau đó bùng phát, lây lan mạnh từ vườn này sang vườn khác, gây thiệt hại cho vụ cà chua vào mùa thu hoạch và cả những vườn mới xuống giống, khiến hàng trăm nhà nông Đơn Dương điêu đứng. Theo thống kê sơ bộ của Trưởng Ban Mặt trận thôn Krăng Gọ 2 Nguyễn Văn Chính, cả thôn buộc phải nhổ bỏ, tiêu hủy hơn 3 ha cà chua để triệt mầm bệnh. “Hiện giá cà chua đang cao, khoảng 10 nghìn đồng mỗi kilogam, nhưng bà con không thể làm gì khác, trái phần lớn đều bị sượng, nên đành phải nhổ bỏ, tiêu hủy đúng cách để tìm giải pháp cho mùa sau”.

Tập trung chống lây lan

Đơn Dương là vùng canh tác rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, được mệnh danh là “thủ phủ” cà chua của cả nước. Bình quân mỗi mùa vụ, toàn huyện xuống giống hơn 2.100 ha cà chua, năng suất bình thường khoảng 50 tấn/ha. Nhưng vụ này, con số về năng suất có lẽ sẽ “co” lại đáng kể, do bệnh xoăn lá bùng phát dữ dội. Thống kê của ngành nông nghiệp Đơn Dương, địa phương hiện có hơn 340 ha cà chua nhiễm bệnh xoăn lá mức độ nặng, khoảng 1.440 ha bị nhiễm trung bình và nhẹ. Trong đó, có 72 ha cà chua bị bệnh xoăn lá nặng, đã tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy.

Các địa bàn bị nhiễm nặng, diện tích cà chua bị mất trắng tập trung chủ yếu tại xã Ka Đơn (133 ha) và Tu Tra (56 ha), các xã còn lại diện tích bị mất trắng không đáng kể. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương Nguyễn Thị Bé cho rằng: “Đây là mùa vụ cà chua bị ảnh hưởng bệnh xoăn lá nặng nhất từ trước đến nay tại địa phương, gây thiệt hại lớn đối với nhà nông, bởi khi vườn cà chua bị nhiễm bệnh thì trái bị sượng, nếu thu hoạch thì cũng không bán được. Hiện, chúng tôi đang tích cực khuyến cáo bà con nông dân chưa nên trồng mới, mà tập trung vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư mầm bệnh, chống lây lan”.

Chua chát… cà chua Đơn Dương ảnh 2

Cà chua đậu trái nhưng bị sượng do nhiễm bệnh xoăn lá.

Bệnh xoăn lá trên cây cà chua do một loại virus gây ra, khiến cây ngưng sinh trưởng, cây lùn thấy rõ trong vườn. Virus lây nhiễm từ cây bệnh sang cây khỏe do côn trùng môi giới, hoặc qua vết thương hở, tàn dư thực vật, cỏ dại, công cụ lao động… Trong đó, lây nhiễm nhanh nhất qua côn trùng chích hút. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng Lại Thế Hưng, bệnh xoăn lá này đã phát hiện cách đây 10 năm, nhưng đây là vụ nặng nhất, cây họ cà bị nhiễm bệnh sớm. Trước đây, khi cà chua ra dây hai, dây ba mới bị, nhưng nay mới ra hoa đã bị nhiễm bệnh. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh là chính, khi cây đã nhiễm bệnh là phải bỏ, xử lý tàn dư.

Trao đổi với chúng tôi, Kỹ sư nông học Nguyễn Văn Lộc, Trưởng bộ phận trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho rằng: “Sau khi bệnh xoăn lá bùng phát, chúng tôi đã phối hợp cơ quan chuyên môn lấy mẫu cây giống trong một vườn ươm để phân tích và kết quả không phát hiện virus nhiễm bệnh. Tuy nhiên, do mới lấy mẫu ngẫu nhiên trong một vườn thì chưa thể khẳng định được”. Để xử lý triệt để tàn dư mầm bệnh, ngành nông nghiệp Lâm Đồng và huyện Đơn Dương đã tổ chức làm điểm về thu gom, tiêu hủy vườn cà chua bị nhiễm bệnh xoăn lá tại hai xã Ka Đơn và Tu Tra. Theo đó, phải chọn những khu vực đất trống, không ảnh hưởng đến nguồn nước để đào hố chôn lấp, rải vôi, tiêu hủy, phủ tấm bạt ngăn ngừa mầm bệnh phát tán.

Kỹ sư nông học Nguyễn Văn Lộc khẳng định, hiện bệnh xoăn lá virus chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị. Vì vậy, để hạn chế bệnh lây lan, tích lũy trên đồng ruộng, việc tổ chức thu gom, xử lý tàn dư cây trồng nhiễm bệnh cần được triển khai đồng bộ với các giải pháp canh tác, như luân canh cây trồng, quản lý chất lượng cây giống cà chua tại vườn ươm, xử lý côn trùng chích hút ngay giai đoạn cây con… Thời gian gần đây, địa phương đã tổ chức hơn mười lớp tập huấn về phòng trừ bệnh xoăn lá trên cây cà chua. “Có thể nói, xứ Đơn Dương này không thể bỏ cây cà chua, nhưng phải tập huấn lại cách canh tác cho bà con nông dân. Vườn ươm cũng phải thay đổi, nông dân cũng thế, nếu không thì mầm bệnh vẫn còn mãi”, ông Lộc bộc bạch.

Bao đời nay, cây cà chua đã gắn bó với đời sống của nhà nông huyện Đơn Dương, góp phần tô thắm diện mạo huyện nông thôn mới đầu tiên khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, để bớt đi sự bấp bênh trên đồng ruộng, vị thanh ngọt cà chua ùa về trong mỗi vụ mùa… có lẽ, còn nhiều việc phải làm từ chính nhà nông, nhà khoa học và nhà quản lý trên xứ rau Đơn Dương!