Đoàn đã thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2024 và quý I/2025 với nhiều kết quả tích cực từ sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân; trong đó, có các chùa Khmer Nam tông, các hòa thượng, à cha, Phật tử.
Dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, Ban chỉ đạo các hoạt động Tết quân-dân tỉnh Kiên Giang tổ chức bàn giao Nhà đồng đội cho ông Lưu Văn Thuyền (quân nhân xuất ngũ) và Nhà Đại đoàn kết cho ông Danh Onl, đều là hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, ít đất sản xuất ngụ tại ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng. Mỗi căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng; nguồn kinh phí do ban hỗ trợ 50 triệu đồng/căn, còn lại do gia đình đóng góp.
Nghề dệt chiếu Cà Hom trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh vừa phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Trà Cú tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề dệt chiếu Cà Hom của người Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề dệt chiếu Cà Hom là nghề thủ công truyền thống gắn bó lâu đời với đời sống của đồng bào Khmer. Làng nghề Cà Hom hiện có 91 hộ, cung ứng ra thị trường gần 33.000 sản phẩm chiếu các loại mỗi năm; giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế du lịch. Đến nay, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đã có các Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây; Lễ hội Ok om bok; Nghệ thuật Rô-băm; Lễ hội Đơm Lơng Néak Tà và Nghề dệt chiếu Cà Hom.
Cần Thơ tăng 20 bậc xếp hạng chỉ số cải cách hành chính
Theo công bố mới đây của Bộ Nội vụ, thành phố Cần Thơ đã có bước tiến vượt bậc trong công tác cải cách hành chính, tăng mạnh 20 bậc từ vị trí thứ 42 lên thứ 22 trong bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024. Thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Mặc dù đạt được tiến bộ trong PAR INDEX, Cần Thơ cần nỗ lực cải thiện thứ hạng trong Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) khi giảm 11 bậc, từ thứ 23 xuống thứ 34 trong năm 2024.
Hơn 1.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh còn 1.332 hộ dân gặp khó khăn khi tiếp cận nước sinh hoạt mùa khô 2024-2025; trong đó, chiếm số đông nhất là các huyện Thới Bình (506 hộ), U Minh (504 hộ). Các hộ dân gặp khó khăn do sinh sống phân tán, chưa tiếp cận được nguồn nước từ các trạm nước tập trung do Nhà nước đầu tư. Trong khi đó, nguồn nước ngầm dưới lòng đất bị nhiễm mặn, phèn, chưa bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu. Vì vậy vào những tháng mùa khô, khi sử dụng hết nguồn nước mưa dự trữ, người dân phải tìm mua nguồn nước ngọt từ nơi khác với giá cao hoặc sử dụng nước dưới các ao đìa không bảo đảm chất lượng.
Triển khai dự án chống chịu khí hậu
Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi vừa triển khai dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Merit-WB11). Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm chủ dự án, nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Australia; tổng mức đầu tư 6.579 tỷ đồng. Địa bàn thực hiện dự án bao gồm các tỉnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, Tây Nam Bộ, trung tâm bán đảo Cà Mau.
![]() |
Công trình cống âu thuyền Rạch Mọp trị giá hơn 500 tỷ đồng vừa được đưa vào hoạt động hiệu quả tại tỉnh Sóc Trăng. |
Tại tỉnh Sóc Trăng, dự án Merit sẽ thực hiện Tiểu dự án 2.3, dự kiến xây dựng tuyến cống âu Đại Ngãi nằm trên sông Saintard, tuyến cống âu Mỹ Xuyên nằm trên sông Bãi Xào, thời gian thực hiện từ năm 2026-2031. Mục tiêu của Tiểu dự án 2.3 là kiểm soát nguồn nước bảo đảm phục vụ ổn định và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp lâu dài, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với các điều kiện cực đoan của biến đổi khí hậu trên địa bàn.