Chuyện cũ gợi nhớ lời Bác dạy

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Ðảng vào dịp Tết Ðinh Hợi, Ðảng ta phát động cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Ðiều đó gợi cho tôi nhớ lại những kỷ niệm đúng 40 năm trước.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại, được tham gia phục vụ chiến đấu ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, những người làm báo chúng tôi được tiếp xúc với biết bao tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đất này. Sở dĩ cuộc chiến đấu ở đây rất ác liệt vì Tổ quốc giao cho quân dân địa phương cùng cả nước giữ thông suốt tuyến đường chi viện cho cuộc chiến đấu của quân dân miền nam mà đoạn đường qua các địa phương nói trên là yết hầu. Giữ vững tuyến đường, bảo đảm thông xe là phải đối mặt với biết bao khó khăn, nguy hiểm. Còn nhớ, lúc đó có khẩu hiệu "xe chưa qua, nhà không tiếc", nghĩa là nhân dân sẵn sàng dỡ bỏ nhà mình để làm vật liệu lót đường cho xe vượt qua chi chít những hố bom lầy lội để ra tiền tuyến. Cũng là cụ thể hóa bằng hành động thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ "Không có gì quý hơn Ðộc lập, Tự do", sẵn sàng hy sinh vì miền nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước.

Khẩu hiệu đó từ nhân dân Quảng Bình thì rõ rồi, nhưng các nhà viết sử vẫn muốn biết ai và nơi nào nêu lên đầu tiên khẩu hiệu làm rung động lòng người, có sức sống mãnh liệt đó. Chúng tôi là người trực tiếp phục vụ và chiến đấu ở đây trong thời gian đó cũng không thể nhớ được nơi phát sinh ra khẩu hiệu, nhưng chắc chắn nó phải ở nơi chiến đấu ác liệt nhất; nhưng ở đây thì nơi nào có đường đi qua mà chẳng là những túi bom. Cho nên người thì bảo đó là xã Hải Trạch, nơi trấn giữ con đường qua đèo Lý Hòa, người thì bảo khẩu hiệu đó ra đời từ xã Võ Ninh, nơi đoàn xe phải vượt qua phà Quán Hầu và có lối lên đường Hồ Chí Minh, cũng là một túi bom thả theo tọa độ. Khi đi công tác, sống trong dân trong những ngày chiến đấu ác liệt thì ở hai xã đó, nhân dân không những nhắc tới khẩu hiệu mà còn hành động, sẵn sàng dỡ bỏ ngôi nhà thân yêu của mình để lót đường cho xe qua, rất xúc động. Nhưng khi hỏi rằng nơi nào nêu lên đầu tiên khẩu hiệu hào hùng đó thì tôi không có đủ chứng cớ, vì ở đây không chỉ có hai xã nêu ở trên mà có nhiều xã cũng nêu khẩu hiệu và hành động như thế. Gần đây, có một số bài báo và tài liệu chỉ rõ nơi này, nơi khác là nơi phát tích khẩu hiệu đó nhưng khi được hỏi với danh nghĩa "người trong cuộc", đi được nhiều nơi trong thời gian này, thì tôi cũng không dám khẳng định điều gì.

Tôi không dám khẳng định nơi phát sinh ra khẩu hiệu trên, nhưng lại có thể khẳng định vì sao hành động vĩ đại đó lại trở thành phong trào quần chúng khi trực tiếp chứng kiến một số việc đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Ðó là những ngày sống và chiến đấu với bà con ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào mùa Thu Ðông 1966, trong chiến dịch vận tải đặc biệt cho miền nam (mà sau này mới biết là chuẩn bị cho Chiến dịch Tết Mậu Thân, 1968). Con đường qua đây có thể vào Vĩnh Linh mà cũng có thể lên Ðường Hồ Chí Minh đi sâu hơn, xa hơn vào nam, cho nên thật sự là một trong những nơi địch bắn phá, bỏ bom từng ngày, từng giờ, hố bom chồng lên hố bom. Cũng như một số địa phương khác, khẩu hiệu "xe chưa qua nhà không tiếc" trở thành hành động tự giác của mọi người dân, nhà nhỏ không tiếc đã đành nhưng nhà to, nhà dựng lâu đời cũng không tiếc. Ai cũng nói ra khẩu hiệu đó, nhớ nằm lòng ý nghĩa và nói là khẩu hiệu đó của Ðảng ủy xã đưa ra để vận động nhân dân nhưng đã trở thành lòng dân. Nghe bà con nói lại: Khi có nghị quyết của Ðảng ủy thì đồng chí Bí thư Ðảng ủy vận động gia đình tự dỡ nhà mình trước để chống lầy cho xe qua. Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy thực hiện nghị quyết thì các đảng ủy viên đều thực hiện, đảng ủy thực hiện thì bí thư chi bộ, các đảng viên đều thực hiện. Cứ thế, không ai bảo ai, không phải hô hào, giải thích nhiều mà thành phong trào quần chúng. Lúc nào cần, cần bao nhiêu, dỡ nơi nào trước nơi nào sau thì chủ nhà tự tay dỡ trước, không ai phàn nàn mà chỉ hỏi xem xe đã qua được chưa.

Chuyện cũ đã qua đúng 40 năm, nhưng chúng tôi không bao giờ quên vì nó chứng minh sự mãi mãi chính xác của câu "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau" mà Bác Hồ thường nhắc nhở. Nhớ và ghi lại câu chuyện cũ vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Ðảng ta khi Ðảng phát động đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt nhiệm kỳ Ðại hội lần thứ X của Ðảng để phát huy thế và lực mới, phát huy ưu điểm, hạn chế và đẩy lùi các tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Hoàn cảnh mới có nhiều điểm khác nhưng bài học đó vẫn còn mới, và rất mới trong lúc này. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu giữ gìn được phẩm chất cách mạng, tính tiên phong gương mẫu sẽ là động lực ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực ngoài xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Ðảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển đất nước nhanh, bền vững, đúng hướng.