Chuyện của người vợ lính

Tôi đến đội 1, thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) từ sáng sớm, cũng là lúc chị Trần Thị Liễu và cậu con trai Nguyễn Tiến Xuân đi chợ về. Hôm nay, chị Liễu mua hương vàng, hoa quả, bánh trái và ít thức ăn mặn dâng lên ban thờ chồng là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, cầu khấn anh phù hộ cho con trai trở lại đơn vị an toàn, ra đảo gặp trời yên biển lặng.

Trung úy Nguyễn Tiến Xuân và mẹ Trần Thị Liễu.
Trung úy Nguyễn Tiến Xuân và mẹ Trần Thị Liễu.

Ðứa con hải quân

Lần nào Xuân về phép, chị Trần Thị Liễu cũng làm lễ như vậy. Tất cả ước mơ và mong mỏi của gia đình dường như đang được trao cho Tiến Xuân, đứa con trai út 27 tuổi, nối nghiệp cha.

Trung úy Nguyễn Tiến Xuân đang là trưởng ngành hàng hải của tàu Trường Sa 14, thuộc Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân. Mới tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2012, nhưng Xuân đã đi gần như tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa phục vụ việc vận chuyển vật liệu để xây dựng trên các đảo này. Có những đảo, Xuân đến hai, ba lần như Ðá Tây, Ðá Lớn. Trông Xuân rắn rỏi, cương nghị nhưng không mất đi vẻ thư sinh sau cặp kính cận.

Nói về con trai, chị Liễu kể: Xuân học khá, yêu thích hải quân lắm. Hắn dán lên tường những hình ảnh chiến sĩ hải quân, những trang bìa Báo Hải quân. Nhưng năm đầu, hắn không thi đỗ. Hắn hận dữ. Chưa bao giờ tôi thấy con tức giận như rứa. Hắn xé hết họa báo, hình ảnh trên tường. Rồi chúi đầu vô học ôn. May là năm sau hắn thi đỗ Học viện Hải quân. Tôi mừng ít lo nhiều. Mừng vì hắn sẽ có nghề nghiệp, vì không phải nộp học phí, lo vì hắn lại theo con đường gian khổ, hiểm nguy của cha hắn.

Mỗi lần qua Gạc Ma, Xuân đều thả hoa tưởng niệm cha. Còn chị Xuân đã đề đạt nguyện vọng ra thăm nơi chồng hy sinh, nhưng chưa một lần được thỏa nguyện.

Ðứa con đầu của anh chị - Nguyễn Mậu Trường, cũng từng là lính hải quân. Trường ra quân năm 2009, đang làm nghề tự do ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng những ngày làm lính là quãng thời gian đáng nhớ của Trường. "Các anh nhà báo đi trên tàu với em hồi đó thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm" - Trường nói. Bây giờ, Trường đang cố gắng xin việc ở quê để chuyển cả gia đình về sống với mẹ Liễu.

Ký ức buồn và đẹp

Năm 1987, anh Nguyễn Mậu Phong về phép, mang theo một nghìn đồng, số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Vợ chồng chưa ở riêng, đang sống trong chái bếp tiếp giáp nhà bố mẹ anh. Ðêm, bọn trộm lẻn vào lấy mất số tiền. Anh Phong tiếc ngẩn người cả ngày. Chị Liễu ôm chồng, khóc. Trước khi lên đường trở lại đơn vị, anh chặt tre, trộn bùn dựng tạm ngôi nhà mái tranh tường đất cho vợ con trên mảnh đất mới. Và, anh đã ra đi mãi mãi. Anh Phong hy sinh trên đảo Gạc Ma cùng 63 chiến sĩ khác trong ngày 14-3-1988 - một ngày không thể nào quên.

Một tổ gồm Ðảo trưởng Nguyễn Mậu Phong, Ðảo phó Trần Văn Phương và một chiến sĩ khác nhận lệnh lên cắm cờ trên đảo Gạc Ma. Nhưng tất cả đều hy sinh ngay trên đảo. Ðảo phó Trần Văn Phương hy sinh trong tay vẫn nắm lá cờ. Anh Phong thì đến nay chưa tìm thấy thi thể.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong ngôi nhà của mẹ con chị Liễu, chị Nguyễn Thị Phấn - hàng xóm từng học với anh Phong, kể: Tháng 11-1977, đang học dở lớp 10, Phong xin đi bộ đội. Sau khi chiến đấu ở biên giới tây nam, Phong về Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Ðồng Nai) học, rồi tham gia lực lượng hải quân bảo vệ đảo. Phong học giỏi, là lớp trưởng. Nhà gần nhau, lại có họ hàng cho nên tháng nào thư nấy, lãng mạn trong sáng lắm. Tôi cho hai đứa Trường - Xuân mượn ảnh đi quét (scan), ép nhựa rồi cất đi. Còn ảnh gốc và thư thì tôi giữ riêng cho mình. Tình cảm ai mà bàn giao được.

Chị Phấn cười, cất tập sách ảnh. Tiến Xuân nói: O Phấn rất tự hào là bạn của cha em. O vẫn thường mở ảnh ra cho hàng xóm và mọi người cùng xem.

Còn đây thương khó

Căn nhà mà anh Phong dựng năm 1987, chị Liễu và các con ở đến năm 2002. Rồi được hỗ trợ 15 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, chị vay thêm 25 triệu đồng xây được ngôi nhà hai gian, "cũng mở mày mở mặt được tí chút chú à" - chị Liễu nói. Năm 2013, bốn cơn bão liên tiếp ập vào miền trung. Mỗi lần có bão, căn nhà lại run bần bật. Mái ngói bay lắc cắc phía trên. Cửa sổ có cánh mà không có song cho nên đóng không chặt được. Mưa gió quất hắt khắp nơi. Cả đêm chị ngồi trên giường nắm chặt cánh cửa sổ che cái chỗ duy nhất trong nhà không bị ướt. Sáng ra, chị trèo lên mái nhà chằm lợp lại.

Sau bão thì lũ về. Chị kê cao giường chạn, chuyển thóc gạo, lợn gà đặt lên rồi ngồi thu lu giữa dòng nước lũ. Bà con lối xóm cũng cùng cảnh ngộ. Không ai giúp được ai.

Ðịa hình đất nước thóp lại ở miền trung, mà Quảng Bình là nơi có chiều ngang hẹp nhất. Những trảng cát Quảng Ninh nối dài chạy đến huyện Lệ Thủy, qua cả Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cát biển tiến gần chân núi. Ruộng đồng pha cát cho nên năng suất không cao. Cứ mỗi vụ lúa, chị Liễu phải khất đội sản xuất tiền giống má, phân gio, thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối vụ sau khi trả hết các khoản, trong tay còn lại hai thúng thóc. Ở nhà chị nuôi thêm gà, lợn. Cộng với tiền hỗ trợ thân nhân liệt sĩ 1,2 triệu đồng/tháng, cũng tạm đủ. Chỉ vào số bao lúa dưới bếp, chị Liễu cho biết: "Cứ đi cúng (ăn giỗ chạp, ma chay, cưới xin - PV) là mất một bao đó chú à. Làm không ra, tiêu thì nhanh quá".

Nhắc đến mẹ, Trung úy Nguyễn Tiến Xuân bùi ngùi: "Ở xa, thương mẹ thắt lòng. Bão lũ ập vào, biết mà không thể về do đang làm nhiệm vụ ở xa. Mẹ khổ cả đời".

Xuân có khá nhiều cô, chú ruột sống cùng xã. Nhưng thật không may, trong số đó, người tỉnh táo thì nghèo, người bị tổn hại về thần kinh thì không chăm sóc nổi bản thân. Ông bà nội Xuân đã ngoài 80 vẫn phải vừa làm lụng vừa trông các cháu.

Trưởng thôn Hiển Lộc Nguyễn Thị Hường cho biết, thôn có 46 liệt sĩ, 17 người đang hưởng tiền hỗ trợ thân nhân liệt sĩ. Thôn còn nghèo, cho nên chỉ có các khoản hỗ trợ thông thường theo quy định. Còn tình cảm xóm giềng, chúng tôi luôn thăm hỏi, động viên nhau. Chị Liễu chịu khó, ham làm việc, hết mực yêu thương con cháu, được làng xóm tôn trọng.

Chủ tịch UBND xã Duy Ninh Lê Văn Thuyết thừa nhận: Cơ bản giúp nhau về tinh thần, còn ngoài chế độ chính sách, xã chưa có hỗ trợ vật chất gì cho gia đình chị Liễu.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh Phạm Văn Lưỡng cho biết, thân nhân và gia đình các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa là đối tượng được huyện đặc biệt quan tâm. Ngày 25-7 vừa qua, lãnh đạo huyện đã đến thăm 14 gia đình chính sách, trong đó có gia đình chị Trần Thị Liễu. Ở huyện Quảng Ninh, ngoài liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, có một trường hợp khác hy sinh ở Trường Sa, đó là liệt sĩ Hoàng Văn Túy (xã Hải Ninh).

Tiến Xuân mở máy tính cho tôi và các chị hàng xóm xem vi-đê-ô clip quay cảnh lính Trung Quốc bắn tàu 604 của ta ngày 14-3-1988. Dường như đã quen với hình ảnh ấy, chị Liễu vẫn xem hết. Nhưng, chị lặng lẽ quay vào phòng trong, vội vã quệt tay lên mắt, rồi trở ra nói chuyện với khách.

Chị Liễu vừa ra Hà Nội tham dự lễ tri ân cùng nhiều thân nhân liệt sĩ khác, do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Thời lượng chương trình truyền hình trực tiếp có hạn, nhưng khán giả ai nấy đều xúc động trước những lời bộc bạch của chị: "Nhà tôi hy sinh, khó khăn bộn bề, việc gì tôi cũng làm, từ cấy hái, gặt thuê, nhặt rác đến nuôi lợn, trồng rau... Những hôm mưa gió, ở nhà mất điện, tôi đi làm xa 12 km không về kịp trước khi trời tối. Về đến nhà, tôi hốt hoảng thấy hai con trong căn nhà tối thui đang khóc và quờ quạng tìm mẹ".

Trả lời phóng viên chiều 18-7, Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cho biết, với những trường hợp liệt sĩ hải quân hy sinh, những dịp ngày thương binh, liệt sĩ, lễ, Tết, các đơn vị đều thăm hỏi, tặng quà. Riêng hai chiến sĩ Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân - con trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, Quân chủng Hải quân sẽ bố trí công việc lâu dài trong lực lượng, nếu họ có nguyện vọng.

Chị Trần Thị Liễu sinh năm 1960, tham gia Binh đoàn Trường Sơn từ năm 1980 - 1983. Chị kết hôn với anh Nguyễn Mậu Phong năm 1984. Khoảng thời gian anh chị ở bên nhau rất ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn vài tuần sau lễ cưới và hai lần về phép của anh Phong vào năm 1986 và 1987. Anh hy sinh khi chưa biết mặt Tiến Xuân, người con thứ hai đang nối nghiệp cha.