Chuyện đời pháo thủ số 2 xe tăng 390: Nốt trầm giữa đời thường

NDO -

NDĐT- 40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng của đoàn quân tiến về Sài Gòn, giải phóng miền nam vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của người pháo thủ số 2 của xe tăng 390. Đó là ông Lê Văn Phượng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

Ông Phượng với tấm ảnh ngày hội ngộ các cựu binh xe tăng 390.
Ông Phượng với tấm ảnh ngày hội ngộ các cựu binh xe tăng 390.

Phá cổng Dinh vào bắt nội các Dương Văn Minh

Về làng cổ Đường Lâm, chỉ vài lần hỏi đường, tôi đến được nhà ông Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2 xe tăng 390, một trong hai chiếc xe tăng huyền thoại đã đi vào lịch sử ngày 30-4-1975. Đó là căn nhà cấp 4 đơn sơ, nơi suốt mấy chục năm qua, ông Phượng sống giản dị trên mảnh đất xứ Đoài mây trắng.

Nhắc đến sự kiện 30-4, mắt ông Phượng như sáng lên, đầu óc minh mẫn lạ thường. Mở tủ lấy một tập tư liệu, ông nói rằng đó là “báu vật cuộc đời” rồi kể tôi nghe từng sự kiện ngày nào.

Lê Văn Phượng sinh năm 1945, tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1965, ông nhập ngũ và đóng quân tại đoàn xe tăng tại Vĩnh Phúc. Năm 1970, ông tham gia chiến đấu tại Đường 9 Nam Lào. Năm 1972, ông làm trợ lý kỹ thuật cùng đơn vị vào chiến trường Thừa Thiên Huế. Ông được biên chế vào đội hình xe tăng 390, gồm có trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội, lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên, và ông Lê Văn Phượng - Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2.

Chuyện đời pháo thủ số 2 xe tăng 390: Nốt trầm giữa đời thường ảnh 1

Ông Phượng thời trẻ trong thời khắc xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc lập do phóng viên người Pháp chụp (Ảnh nhân vật cung cấp chụp lại).

Ông Phượng cho biết: “Từ 17-3-1975 cả đơn vị tôi được lệnh vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ ngày 19 đến ngày 23-3-1975, chúng tôi chiến đấu tại khu vực Núi Bồng, Núi Nghệ. Ngày 25 giải phóng Huế. Sau đó lại vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Ngày 29-4-1975, lúc bấy giờ đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203 được lệnh đánh xe tăng của địch tại căn cứ Nước Trong, Long Thành. Trong lúc chiến đấu tôi bị đạn bắn bị thương ở chân, sau khi được thay băng, tôi xuống nạp đạn pháo và tiếp tục chiến đấu”.

Đến 8 giờ 30 ngày 30-4-197, xe tăng 390 của ông Phượng có mặt tại đầu gầm cầu Sài Gòn. Lúc này lực lượng xe tăng của ta bị địch phản kích mạnh, xe tăng do đồng chí Ngô Quang Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đã bị địch bắn cháy, đồng chí Nhỡ hy sinh. Ngay sau đó, phát hiện xe tăng M48 của địch vượt sang bên này cầu, xe tăng 390 đã nổ súng tiêu diệt tại chỗ. Lúc này, máy bay A37 của địch ném bom dữ dội, chặn bước tiến của ta.

Trong tình thế đó, ông Phượng bàn với anh Toàn, chính trị viên đại đội xe: “Anh Toàn ơi, khả năng địch ném bom cắt cầu Sài Gòn đấy. Anh bàn với anh Thận cho đơn vị nhanh chóng vượt cầu, kẻo mất thời cơ. Lúc bấy giờ anh Bùi Quang Thận gọi điện xin chỉ thị cấp trên nhưng không liên lạc được. Anh Thận chạy đến gần xe tăng 390, lúc đó một cuộc họp nhanh chóng của ban chỉ huy đại đội, cùng quyết định vượt cầu. Có thể nói, đó là một khí thế hào hùng bởi xe tăng của ta đi đến đâu là tiêu diệt, ngăn chặn xe tăng địch đến đó”.

Ông Phượng kể tiếp: Khi xe tăng 390 tiến gần ngã Tư Hàng Xanh, có hai xe tăng bọc thép M113 của địch lao ra thì bị xe tăng 390 tiêu diệt tại chỗ. Rồi xe tăng 390 tiếp tục rẽ trái, khi gần đến cổng Dinh Độc lập, gặp xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận. Lúc đó, xe của anh Thận dừng lại ở cổng Dinh sau đó rẽ trái đứng ở cổng phụ. Ngay lập tức, xe tăng 390 nhấn ga vọt lên, đâm thẳng, húc tung cổng chính của Dinh Độc lập và tiếp tục tiến thẳng vào sân.

Lúc vào trong sân, xe tăng 390 dừng lại. Anh Vũ Đăng Toàn định cầm cờ giải phóng chạy lên cắm trên Dinh thì ông Phượng ngoảnh lại sau, thấy anh Thận đang cầm cờ chạy lên, ông bàn với anh Toàn dùng súng 12 ly 7 đứng sau chi viện cho anh Thận. Anh Toàn nhảy xuống xe tăng 390 cùng anh Thận chạy vào Dinh. Khi anh Thận lên cắm cờ, anh Toàn dùng súng AK khống chế nội các Dương Văn Minh. Sau đó toàn bộ cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn 203, lên bắt nội các Dương Văn Minh. Khoảng 10-15 phút sau, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng một số trợ lý trung đoàn 66 mới chạy lên khống chế nội các.

“Nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay trên nóc nhà Dinh Độc lập, khi lời đầu hàng của Dương Văn Minh phát trên loa, ngay lập tức nhiều người dân Sài Gòn đã đổ xuống đường mừng vui chiến thắng. Tất cả đều vỡ òa trong niềm vui, nước mắt chiến thắng”- ông Lê Văn Phượng bùi ngùi.

Đất nước thống nhất, tiểu đoàn 1 của ông Phượng tiếp tục sang Campuchia đánh quân Pôn Pốt, có mặt trên nhiều trận địa như Takeo, Xẩm Đông, Xổm Tây, Cảng Sihanouk… Năm 1979, ông cùng đồng đội lên biên giới phía bắc bảo vệ Tổ quốc. Năm 1985, ông về hưu sớm theo chế độ của nhà nước.

Nốt trầm giữa đời thường

Chuyện đời pháo thủ số 2 xe tăng 390: Nốt trầm giữa đời thường ảnh 2

Các cựu binh xe tăng 390 được gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Ảnh nhân vật cung cấp chụp lại).

Lâu lâu, ông Phượng ngắt dở câu chuyện, một tay vòng ra sau ôm lấy sống lưng, khuôn mặt tái nhợt lại. Ông tếu táo: “Trời thương cho tôi đi qua cuộc chiến rồi trở về, nhưng hai mảnh bom cũng thương tôi quá nên vẫn nằm trong người tôi suốt mấy chục năm qua. Trái gió trở trời là nó dở chứng như vậy”.

Tính ra, đã bốn lần ông bị thương nặng. Một lần năm 1970, trên chiến trường đường 9 Nam Lào, đang hoạt động ở dốc thôn thì bất ngờ địch thả bom, ông bị hai mảnh bom găm vào người. Năm 1972, ở chiến trường A Lưới, hai lần ông bị thương vào đầu, trong đó một lần bị bom đánh sập hầm tưởng không qua khỏi. Lần thứ tư là trong chiến dịch Hồ Chí Minh với vết thương ở chân.

Cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể, ông lạc quan: “Cũng may da thịt tôi lành. Mỗi khi bị thương, hầu như tôi không cho tiêm kháng sinh vì sợ nhiễm trùng. Các y tá thường giữ chặt lấy chân tay tôi, miệng tôi ngậm khăn, rồi dùng dụng cụ nạo hết máu mủ trên vết thương”.

Người lính năm nào tâm sự: “Vết thương về thể xác, tôi có thể chịu đựng được nhưng có những vết thương tinh thần vẫn luôn ám ảnh tôi. Đó là hình ảnh những đồng đội của mình hy sinh trên chiến trường. Hay đó là sự xúc phạm danh dự của một vài cá nhân khi họ mạo danh các anh em chiến sĩ, đồng đội để nhận danh hiệu. Bản thân tôi có lần bị một người đứng ra tự xưng là pháo thủ số 2 để đi xin Nhà nước trợ cấp 50 triệu xây nhà cửa”.

Nói về cuộc sống của gia đình, ông tâm sự: “Chúng tôi đi lính từ thời mới học xong phổ thông. Thời bình, những người lính như tôi không có bằng cấp đều được về hưu sớm. Vợ tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc, vốn là công nhân nhà máy sợi ở Hà Tây nhưng bà ấy lại bệnh tim, tuần nào cũng phải tiêm cấp cứu và uống thuốc trợ tim”.

Để trang trải cuộc sống cho gia đình và vợ con, người cựu chiến binh lao vào mưu sinh. “Mới đầu, tôi theo anh em lên rừng Ba Vì kiếm củi, rồi tranh thủ vớt bèo dâu, đánh cá đêm đem ra chợ bán. Được một thời gian chuyển sang làm công nhân lò thủy tinh. Rồi sau lại đi đóng gạch men cho công ty xây dựng khu bắc. Khi sức khỏe yếu dần, tôi chuyển về làm thợ cắt tóc ở bờ hào Thành cổ Sơn Tây”, ông kể.

Khó khăn vậy, nhưng ông vẫn tự bằng lòng với hoàn cảnh, bởi so với nhiều anh em trên xe tăng 390 năm ấy: người nuôi heo, người gác đầm cá, người chạy xe ba gác,… còn vất vả hơn ông nhiều.

Đang say chuyện, ông nhận cuộc điện thoại của ông Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội xe tăng năm xưa. Và ông lại không kìm được nước mắt, bởi cảm xúc từ những kỷ niệm hào hùng trong thời khắc lịch sử như đang sống lại trong lòng người pháo thủ số 2 của xe tăng 390 năm nào.